Bế tắc chính trị trên chính trường Mỹ vẫn chưa tìm được "lối thoát" khi cả hai dự luật nhằm mở cửa lại một loạt các cơ quan chính phủ bị đóng cửa từ ngày 22/12/2018 đã không thể vượt qua ải thượng viện.
Ngày 24/1, Thượng viện Mỹ đã không thông qua hai phương án được đề xuất trước đó nhằm mở cửa lại hoàn toàn chính phủ. Theo đó, dự luật thứ nhất của đảng Dân chủ nhằm cấp ngân sách chính phủ đến ngày 8/2 tới để các bên có thêm thời gian thảo luận về an ninh biên giới và nhập cư chỉ nhận được 52 phiếu thuận và 44 phiếu chống. Có sáu thượng nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu thuận cùng các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đối với dự luật được xem là "giải pháp tình thế" này.
Trong khi đó, dự luật thứ hai bao gồm đề nghị cấp tiền xây tường biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề xuất của ông chủ Nhà Trắng về chính sách nhập cư, vốn được Nhà Trắng ủng hộ, cũng chỉ nhận được 50 phiếu thuận trong khi có tới 47 phiếu chống. Như vậy cả hai phương án đều không đạt được sự ủng hộ của tối thiểu 60/100 thượng nghị sỹ để được thượng viện thông qua.
Ngay sau khi các dự luật trên thất bại tại thượng viện, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kêu gọi nhanh chóng thông qua một dự luật tạm thời, theo đó cấp kinh phí trong ba tuần nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần đã kéo dài hơn một tháng qua.
Một số nghị sỹ đảng Dân chủ đã cam kết sẽ ủng hộ việc tăng ngân sách cho an ninh biên giới so với những gì đã được đề xuất trong dự luật của đảng này bị thượng viện bác bỏ trước đó. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cảnh báo chỉ ủng hộ văn kiện trên nếu bao gồm khoản tiền cấp ngân sách xây bức tường biên giới.
[Thượng viện Mỹ công bố phương án mở cửa trở lại toàn bộ chính phủ]
Về phần mình, phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng ta không có sự lựa chọn ngoài việc phải có một bức tường hoặc một hàng rào." Ông cũng khẳng định sẽ ủng hộ nếu lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ Chuck Schumer đi đến một thỏa thuận "hợp lý" nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần.
Trong khi đó, cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật do đảng Dân chủ đề xuất nhằm tài trợ cho Bộ An ninh Nội địa hoạt động cho đến ngày 28/2. Dự luật này, không có khoản kinh phí cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico theo đề nghị của Tổng thống Trump, được thông qua với 231 phiếu thuận và 180 phiếu chống. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự luật này khó được thông qua tại Thượng viện Mỹ.
Trong bối cảnh tình hình chính trường Mỹ vẫn bế tắc, kênh truyền hình CNN (Mỹ) dẫn nhiều văn kiện nội bộ cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị một tuyên bố tình trạng khẩn cấp để Tổng thống Trump có thể đưa ra như một giải pháp, nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần chính phủ nếu các nghị sỹ không đồng ý cấp tiền cho dự án xây tường biên giới.
Tính tới nay, đợt đóng cửa một phần chính phủ dài nhất trong lịch sử Mỹ đã bước sang ngày thứ 34 khi bất đồng giữa đảng Dân chủ và Tổng thống Trump xoay quanh đề xuất chi 5,7 tỷ USD xây tường biên giới vẫn chưa có lối thoát. Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã đẩy nhiều chương trình chính phủ quan trọng trước các nguy cơ lớn, làm xáo trộn sinh hoạt thường nhật của người dân và gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Mới đây nhất, ngày 24/1, các nhân viên ngành hàng không đã cảnh báo việc chính phủ đóng cửa một phần kéo dài suốt 5 tuần qua có thể khiến hàng không thương mại Mỹ sụp đổ.
Phát biểu tại sân bay quốc gia Reagan Washington, giới lãnh đạo Hiệp hội Kiểm soát viên không lưu quốc gia, Hiệp hội Phi công và Hiệp hội Tiếp viên hàng không nhấn mạnh nếu thế bế tắc giữa Tổng thống Trump và các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Quốc hội xung quanh bức tường biên giới không chấm dứt sớm, hàng loạt chuyến bay sẽ bị cắt giảm trên toàn quốc.
Họ đều bày tỏ quan ngại về sự an toàn và an ninh đối với các nhân viên và ngành hàng không, cũng như với hành khách do chính phủ đóng cửa một phần, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng kiểm soát viên không lưu.
Theo ông Paul Rinaldi, người đứng đầu Hiệp hội Phi công, đội ngũ làm việc trên tháp kiểm soát không lưu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua do nhân viên không đi làm và nhiều kiểm soát viên đã phải làm ngoài giờ để đảm bảo duy trì kiểm soát mạng lưới các chuyến bay./.