Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chăm sóc y tế miễn phí cho cựu binh

Với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống, dự luật PACT tăng cơ hội chăm sóc y tế miễn phí và đảm bảo các cựu binh mắc một số bệnh hô hấp và ung thư được nhận trợ cấp tàn tật mà không cần chứng minh.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chăm sóc y tế miễn phí cho cựu binh ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC, ngày 24/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/8, các thượng nghị sỹ Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm bảo vệ quyền lợi của các cựu binh từng tiếp xúc với khí thải độc hại do hoạt động đốt rác trong quân đội. 

Với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống, dự luật PACT đã tăng cơ hội chăm sóc y tế miễn phí và đảm bảo rằng các trường hợp cựu binh mắc một số bệnh hô hấp và ung thư được nhận trợ cấp tàn tật mà không cần phải chứng minh rằng họ đã phải tiếp xúc với các hố rác độc hại.

Quân đội Mỹ thường đốt các thùng rác lộ thiên bằng nhiên liệu máy bay. Nhưng khói từ những hoạt động này bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật cho binh lính, từ hô hấp mãn tính đến nhiều loại bệnh ung thư.

Tổng thống Joe Biden tin rằng hoạt động đốt rác trên đây là căn nguyên của căn bệnh ung thư não đã cướp đi sinh mạng của con trai ông, là Beau Biden, người từng tham chiến tại Iraq năm 2008.

[Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về gói ngân sách quốc phòng kỷ lục]

Năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tài trợ cho một nghiên cứu trị giá 10 triệu USD về việc này. Nghiên cứu kết luận rằng có "mối quan hệ nhân quả tiềm ẩn giữa việc tiếp xúc với khí thải từ các hố đốt rác mô phỏng và các kết quả sức khỏe sau đó.”

Bộ Cựu chiến binh Mỹ ước tính khoảng 3,5 triệu quân nhân đã tiếp xúc với khói độc ở Afghanistan, Iraq hoặc các khu vực xung đột khác. Hiện hơn 200.000 cựu binh đã đăng ký vào danh sách những người liên quan tới đốt rác thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.