Thụy Sĩ điều tra nguyên nhân khiến Credit Suisse đến 'bờ vực' phá sản

Một ủy ban của quốc hội Thụy Sĩ sẽ tiến hành điều tra nguyên khiến ngân hàng Credit Suisse đến "bờ vực" phá sản và quá trình ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse.
Thụy Sĩ điều tra nguyên nhân khiến Credit Suisse đến 'bờ vực' phá sản ảnh 1Một tòa nhà của Credit Suisse tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 4/4/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 17/5, Văn phòng Hội đồng nhà nước (Thượng viện) Thụy Sĩ cho biết một ủy ban của quốc hội nước này sẽ tiến hành điều tra nguyên khiến ngân hàng Credit Suisse đến "bờ vực" phá sản và quá trình ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse.

Đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ dẫn nguồn tin từ cơ quan trên nêu rõ: "Với mức độ nghiêm trọng của các sự kiện và tác động tài chính, văn phòng quyết định rằng việc thiết lập một ủy ban quốc hội là cần thiết."

Văn phòng Thượng viện Thụy Sĩ ủng hộ việc tiến hành cuộc điều tra rộng rãi và làm rõ các sự kiện trong những năm gần đây dẫn đến việc sáp nhập khẩn cấp nói trên. 

Thông báo được đưa ra sau khi hai tiểu ban ủng hộ một cuộc điều tra sâu rộng hơn về cách chính phủ, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và cơ quan quản lý thị trường tài chính nước này đã hành động trong cuộc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse.

Hoạt động cụ thể của ủy ban này hiện vẫn chưa được xác định và sẽ được hai viện trong quốc hội quyết định trong các phiên họp sắp tới bắt đầu từ ngày 30/5.

[UBS ước tính thiệt hại 17 tỷ USD do thương vụ mua lại Credit Suisse]

Ủy ban điều tra này không có thẩm quyền ngăn chặn thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse nhưng có quyền yêu cầu các phiên điều trần và yêu cầu các nhà quản lý của cả 2 ngân hàng cũng như các quan chức chính phủ làm rõ một số vấn đề, đồng thời có quyền tiếp cận các biên bản họp chính phủ. 

Hồi tháng 3, Chính phủ Thụy Sĩ đã phải nhanh chóng dàn xếp việc UBS tiếp quản Credit Suisse để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau những lo ngại nguy cơ xảy ra "hiệu ứng domino" từ vụ sụp đổ các ngân hàng ở Mỹ.

Theo thỏa thuận giải cứu, UBS đã đồng ý mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,2 tỷ USD) dưới dạng cổ phiếu và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ franc phát sinh từ việc đóng cửa một phần hoạt động kinh doanh, đánh dấu vụ giải cứu đầu tiên một ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ngoài ra, Chính phủ Thụy Sĩ cũng cấp khoản bảo lãnh 9 tỷ franc cho UBS để giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu do mua lại một số tài sản có khả năng bị thua lỗ.

Trong khi đó, nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp quản thành công, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đồng ý hỗ trợ 200 tỷ franc nhằm ngăn chặn Credit Suisse sụp đổ, tình huống có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.