Thụy Sĩ sẽ cấm quảng cáo thuốc lá nhằm vào giới trẻ từ năm 2024

Thụy Sĩ siết chặt quảng cáo thuốc lá sau khi kết quả trưng cầu ý dân tổ chức vào tháng 2/2022 cho thấy 57% số cử tri Thụy Sĩ đồng ý cần bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước quảng cáo thuốc lá.
Thụy Sĩ sẽ cấm quảng cáo thuốc lá nhằm vào giới trẻ từ năm 2024 ảnh 1Các màn hình có nội dung ủng bộ quan điểm cấm quảng cáo thuốc lá nhằm vào giới trẻ tại nhà ga đường sắt trung tâm ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 10/2/2022. (Nguồn: Reuters)

Ngày 24/5, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo từ năm 2024 sẽ chính thức cấm mọi hình thức quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá điện tử nhằm vào giới trẻ.

Động thái trên được đưa ra nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và các ca tử vong có liên quan đến hút thuốc lá tại Xứ sở đồng hồ.

Theo những luật mới có hiệu lực từ giữa năm 2026, nhà chức trách cũng sẽ tăng cường hạn chế về bao bì và quảng cáo đối với thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Các phương tiện truyền thông in ấn, cửa hàng hoặc sự kiện mà trẻ vị thành niên có thể đến sẽ không được phép quảng cáo các sản phẩm thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, quảng cáo trực tuyến sẽ vẫn được phép với điều kiện có hệ thống kiểm soát độ tuổi.

Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ cấm thuốc lá tài trợ cho các sự kiện có người dưới 18 tuổi tham dự.

Thụy Sĩ quyết định siết chặt quảng cáo thuốc lá sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức vào tháng 2/2022 cho thấy 57% số cử tri của nước này đồng ý với việc cần phải bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước các quảng cáo thuốc lá.

Thói quen hút thuốc vẫn khá phổ biến tại Thụy Sĩ. Có tới 25% dân số nước này làm bạn với khói thuốc lá.

Thống kê của chính phủ cho thấy 9.500 người Thụy Sĩ tử vong sớm mỗi năm do hút thuốc lá. Đây là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất của nước này.

Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh việc hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm và chi phí điều trị y tế lên tới 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,37 tỷ USD)/năm.

Quảng cáo thuốc lá tác động lớn đến quyết định bắt đầu hút thuốc. Năm 2022, có 6,9% số trẻ em Thụy Sĩ từ 11-15 tuổi hút thuốc lá trong 30 ngày, trong khi 5,7% thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi từng hút thuốc lá điện tử ít nhất 1 lần/tháng.

[Nga: Dự luật cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ em có hiệu lực từ 1/9]

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng công bố một báo cáo cho thấy thuốc lá điện tử không có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống.

Theo WHO, mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Sử dụng thuốc lá điện tử gây nghiện nhanh chóng cho người sử dụng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, gây các bệnh cấp tính và mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và ung thư.

WHO cảnh báo tiếp xúc thụ động với nicotine trong các sản phẩm này cũng gây tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.

Ở nhiều quốc gia, việc quản lý sử dụng thuốc lá điện tử vẫn còn mới mẻ. Các nước vẫn đang liên tục cập nhật các điều luật về thuốc lá điện tử dựa trên những thông tin mới mà các chuyên gia y tế, các nhà khoa học cảnh báo về mức độ nguy hại.

Một số quốc gia đã cấm hoàn toàn việc mua bán thuốc lá điện tử như Argentina, Australia, Brazil, Brunei, Campuchia, Colombia, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan...

Trong khi đó, một số nước như Mỹ, liệt kê thuốc lá điện tử là một sản phẩm thuốc lá, vì vậy phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng trong đó có Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA).

Việc quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử cũng bị giới hạn ở nhiều tiểu bang tại Mỹ.

Tại Nga, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hồi tháng Tư cũng đã thông qua trong lần đọc thứ hai và thứ ba dự luật thắt chặt các quy định lưu hành thuốc lá điện tử.

Dự luật, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, quy định cấm bán các thiết bị liên quan đến thuốc lá điện tử, kể cả không có chứa nicotine, cho trẻ vị thành niên.

Ở nhiều nước châu Âu, thuốc lá điện tử được xếp chung loại với thuốc lá truyền thống và buộc phải hạn chế sử dụng ở nơi công cộng.

Các quy định yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ hàm lượng nicotin tối đa trong thuốc lá điện tử. Đồng thời, các hãng buộc phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe cho người dùng trên từng loại thuốc lá điện tử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục