Tiệc trăng máu: Bi kịch của xã hội hiện đại ẩn sau mỗi tiếng cười

"Bản chất con người giống như nguyệt thực, có thể bị che đi tạm thời nhưng rồi cũng sẽ hiện ra thôi" là một trong những câu nói sâu cay, mang sức nặng của phim.

Ngay trong tuần đầu tiên ra rạp, “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thu về gần 50 tỷ đồng. Đây là doanh thu rất tích cực, trong bối cảnh thị trường phim ảnh tại rạp gần như đóng băng do dịch COVID-19.

Song thành công này chẳng phải khó hiểu nếu nhìn vào danh sách dàn diễn viên tên tuổi và có thực lực, một ý tưởng đã thành công ở nhiều thị trường, cũng như hiệu ứng truyền miệng tốt từ phía khán giả sau những buổi chiếu sớm.

Như nhiều trường hợp thành công khác tại các rạp phim Việt, sẽ chẳng có bộ phim nào khiến khán giả rỉ tai rủ nhau ra rạp nếu bản thân tác phẩm không đạt được chất lượng nhất định.

Trò chơi sự thật

Trước “Tiệc trăng máu,” đã có tổng cộng… 18 phiên bản phim xoay quanh nội dung tương tự. Bộ phim “Perfetti Sconosciuti” (Người lạ hoàn hảo) của điện ảnh Italy không chỉ thành công vang dội trên sân nhà mà còn được làm lại tại nhiều thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp… và mới đây nhất là Việt Nam.

Phiên bản Việt có nhiều nét tương đồng với bản “Intimate Strangers” của Hàn Quốc, với chung nhà sản xuất Lotte. Đây là lựa chọn hợp lý bởi bản Hàn Quốc từng được đánh giá bởi sự sáng tạo so với bản gốc, cũng như những nét tương đồng trong văn hóa Á Đông.

Nội dung phim xoay quanh một bữa tiệc ngắm nguyệt thực tại ngôi nhà của đôi vợ chồng giàu có Quang (Hứa Vĩ Văn thủ vai) và Nguyệt Ánh (Hồng Ánh). Khách mời là những người bạn thân nối khố của Quang cùng nửa kia: anh chàng Linh (Kiều Minh Tuấn) dẻo mỏ cùng cô bạn gái xinh đẹp Kathy (Kaity Nguyễn), đôi vợ chồng mang mầm mống bất hòa Bình (Thái Hòa) và Quỳnh (Thu Trang) cùng anh chàng Mạnh (Đức Thịnh) lẻ bóng.

['Bom tấn Tiệc trăng máu' thu về 8,5 tỷ đồng sau 2 đêm chiếu sớm]

Trong bữa tối, Ánh đề xuất tất cả cùng chơi một trò chơi: công khai mọi tin nhắn, email và cuộc gọi được gửi đến điện thoại cá nhân của mỗi người. Một trò chơi tưởng như sẽ mang tới những tiếng cười vui vẻ lại bất ngờ vạch trần những góc khuất không ngờ tới giữa những người tưởng như chẳng còn gì bí mật…

Không giống với trò chơi “Truth or Dare” khi người tham gia có thể chọn làm thử thách thay vì trả lời sự thật, trò chơi trong “Tiệc trăng máu” khiến người chơi không có lựa chọn nào khác ngoài bật mí những thông tin được gửi tới điện thoại của mình.

Câu nói “Mỗi người có ba cuộc sống: công khai, riêng tư và bí mật” được áp dụng chuẩn xác cho những nhân vật trong phim, khi cuộc chơi càng ngày càng hé lộ những điều không lường trước, kể cả giữa vợ chồng đầu ấp tay gối hay những người bạn chơi với nhau từ tấm bé.

Điện thoại thông minh là vật bất ly thân với nhiều người trong kỷ nguyên hiện đại, với những nhu cầu công việc, giao tiếp xã hội hay thậm chí duy trì những mối quan hệ bí mật. Chính vì lẽ đó, đôi khi điện thoại còn nắm giữ nhiều bí mật cá nhân hơn cả nửa kia hay những người bạn tri kỷ.

Không hề ngẫu nhiên khi phiên bản Trung Quốc của bộ phim mang tên “Kill Mobile” với nghĩa đen là “Điện thoại chết chóc,” bởi những bí mật được che giấu hoàn toàn có thể gây ra cảnh tan cửa nát nhà, tan đàn xẻ nghé; còn những bản phim Italy và Hàn Quốc nhấn mạnh vào yếu tố “người xa lạ” ở tựa đề.

Tại Việt Nam, tựa “Tiệc trăng máu” gây tò mò ban đầu giống một bộ phim kinh dị, nhưng khi xem phim có thể ngầm hiểu lý do. Câu chuyện diễn ra trong bữa tiệc ngắm nguyệt thực - một hiện tượng thiên nhiên nhưng lại ẩn dụ việc những người tham gia dần dần bị bóng tối bao phủ, thậm chí che lấp hoàn toàn.

Nếu tinh ý sẽ nhận ra cao trào của bữa tiệc diễn ra tăng tiến với tình hình nguyệt thực. Khi diễn ra nguyệt thực toàn phần cũng là lúc những mối quan hệ “đổ máu,” không còn nhẹ nhàng hài hước như khi hiện tượng mới bắt đầu.

Điểm cộng từ dàn diễn viên

Câu chuyện “Perfetti Sconosciuti” mang tính toàn cầu, với những hỷ nộ ái ố xoay quanh góc khuất của con người. Nhờ đó, bộ phim lập kỷ lục Guinness về số lần được làm lại tại nhiều thị trường khác nhau. Dựa trên kịch bản gốc chất lượng như vậy, biên kịch Bình Bồng Bột đã Việt hóa mượt mà về tổng thể, dù đôi chỗ thoại có cảm giác thiếu tự nhiên. Bộ phim đan xen nhiều sắc thái, từ tâm lý cho tới bí ẩn, hài hước và giữ được mạch cảm xúc ổn định, khiến khán giả tập trung theo dõi câu chuyện.

Với một tác phẩm có không gian hẹp, sự kịch tính chủ yếu được tạo ra từ thoại như “Tiệc trăng máu,” sẽ rất khó thành công - thậm chí là "gãy" - nếu diễn xuất thiếu thuyết phục. Khâu diễn xuất là điểm sáng của tác phẩm, với một số cái tên nổi bật hơn phần còn lại.

Có những diễn viên vẫn giữ quanh vùng an toàn (Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn) hoặc không có sự đột phá so với các vai diễn quen thuộc (Kiều Minh Tuấn) nhưng đều ở mức tròn vai. Trong khi đó, các vai diễn của Thu Trang, Kaity Nguyễn và Thái Hòa để lại nhiều ấn tượng nhất với khán giả.

Từ trái sang: Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, Kaity Nguyễn, Kiều Minh Tuấn, đạo diễn Quang Dũng, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn tại buổi chiều sớm đầu tiên tại Hà Nội, ngày 20/10. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cặp vợ chồng Thu Quỳnh và Bất Bình là hai người nhìn qua mâu thuẫn sâu sắc nhất: người vợ tính cách có phần vô tư sống cùng người chồng gia trưởng, thường xuyên tỏ thái độ mỉa mai, lạnh nhạt với vợ. Không chỉ gây tiếng cười với những câu thoại hóm hỉnh và biểu cảm vốn là sở trường, Thu Trang còn mang tới cho nhân vật Quỳnh sự biến hoá theo thời gian với nhiều sắc thái, sự u uất bị kìm nén quá lâu trong hôn nhân nguội lạnh. Ở phía ngược lại, Thái Hoà cũng vào vai "ngọt" không kém, giúp đôi vợ chồng được trao nhiều đất diễn nhất cũng để lại nhiều ấn tượng nhất.

So với những cái tên kể trên, Kaity Nguyễn là người trẻ nhất cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tuy nhiên, nữ diễn viên của "Em chưa 18" cho thấy mình là diễn viên nữ có tương lai xán lạn hàng đầu điện ảnh Việt với lối diễn xuất tự nhiên, đôi mắt biết nói và vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Nhân vật Kathy của cô là người trong sáng nhất trong bàn tiệc, chưa vấp phải vấn đề khủng hoảng tuổi trung niên của những cặp đôi khác. Đó là những mảng tối mà chẳng ai muốn chủ động nói ra nếu không có trò chơi bất ngờ đêm Nguyệt thực.

Sau một "Ước hẹn mùa Thu" không thành công, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại có một "Tiệc trăng máu" khởi đầu đầy tích cực. Điểm trùng hợp của bộ phim mới này với tác phẩm thành công gần nhất của anh "Tháng năm rực rỡ" là đều được làm lại (remake) từ những bản phim thành công. Thái độ của khán giả với ba tác phẩm kể trên cho thấy phim remake vẫn sẽ được đón nhận nếu được làm chỉn chu. "Tiệc trăng máu" cho thấy sự đầu tư lớn với kinh phí 3 tỷ cho bối cảnh penthouse, phần quay phim và âm nhạc chất lượng cùng dàn diễn viên nhiều sao.

"Bản chất con người giống như nguyệt thực, có thể bị che đi tạm thời nhưng rồi cũng sẽ hiện ra thôi" là một trong những câu nói sâu cay, mang sức nặng của phim. Giá trị của tác phẩm không chỉ nằm ở những tràng cười hay sự ly kỳ của những cú twist mà còn khiến khán giả ngẫm lại những hành động, cử chỉ, lời nói... của từng nhân vật khi đã nắm tổng thể câu chuyện và vỡ ra thêm nhiều điều.

Đằng sau những tiếng cười châm biếm là sự ngầm đả kích những thói hư tật xấu của con người bị lột trần trong trò chơi xoay quanh chiếc điện thoại, hay xa hơn nữa là những vấn đề xã hội hiện đại gây nên những mối đứt gãy trong quan hệ gia đình, bạn bè. Chẳng hạn như chuyện những người bạn ngoài đời có thể vẫn cười nói giả lả, nhưng chặn nhau trên mạng xã hội, hay thái độ của mọi người trước vấn đề giới tính…

Những câu chuyện cơm áo gạo tiền, bất hoà trong hôn nhân, chuyện chăn gối hay sự bội phản... có thể được gặp tại bất cứ đâu, được “Perfetti Sconosciuti” khai thác độc đáo trên màn ảnh và "Tiệc trăng máu" kế thừa chỉn chu.

Tiệc trăng máu

Đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng

Diễn viên: Thái Hoà, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn

Thể loại: Tâm lý, Hài hước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục