Tiềm năng phát triển dịch vụ logistics tại thành phố cảng Hải Phòng

Lũy kế từ khi hoạt động đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã thu hút 20 dự án về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký 168,3 triệu USD.
Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sở hữu hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không, cùng với lợi thế về vị trí địa lý, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để kết nối, phát triển dịch vụ logistics vùng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, Hải Phòng là cảng cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Hệ thống cảng của Hải Phòng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc (sau Thành phố Hồ Chí Minh).

Hải Phòng có hàng loạt lợi thế như đường bờ biển dài trên 125km, đường thủy nội địa dài hơn 400km với 5 cửa sông lớn; hệ thống giao thông hiện đại, thuận tiện như: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có đường bay thẳng trong nước và có đường bay thẳng sang Hàn Quốc, Thái Lan; cảng nước sâu Tân Vũ-Lạch Huyện có năng lực tiếp nhận tàu tải trọng lớn...

Trong hai năm 2017 và 2018, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng, thành phố đã khuyến khích, kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án cảng, logistics. Cụ thể, có 8 dự án đầu tư nước ngoài về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,8 triệu USD.

Lũy kế từ khi hoạt động đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã thu hút 20 dự án về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký 168,3 triệu USD; đầu tư trong nước đã thu hút 10 dự án về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.897 tỷ đồng.

Lũy kế từ khi hoạt động đến hết năm 2018 đã thu hút 39 dự án về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.796,6 tỷ đồng.

[Vận tải biển: Nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn… rất chông chênh]

Cũng trong giai đoạn này, Hải Phòng phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng một số dự án giao thông quan trọng nhằm kết nối với các trung tâm logistics Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP như dự án đường ôtô Tân Vũ- Lạch Huyện, đường bao Tây Nam Khu Công nghiệp Đình Vũ.

Theo quy hoạch, thành phố Hải Phòng sẽ có 6 trung tâm dịch vụ logistics, tổng diện tích 306ha, với chức năng vận tải, kho bãi, đóng gói, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hàng không, kho bãi giao nhận hàng không, thủ tục hành chính.

Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng container Quốc tế Hải Phòng Bùi Quang Huy cho biết hiện nay trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia do vận tải biển đảm nhận.

Ở Việt Nam, khoảng 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển này. Theo xu thế, các hãng tàu sẽ cập các cảng nước sâu tiếp nhận tàu cỡ lớn.

Bốc xếp hàng lên tàu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có cảng Cái Mép và cảng Lạch Huyện đủ điều kiện, đủ năng lực đón những con tàu siêu trường, siêu trọng.

Sự kiện đón tàu mẹ sức chở 12.000 TEU tại Cảng container quốc tế Tân Cảng-Hải Phòng (HICT), sau đó đi thẳng đến bờ Tây Hoa Kỳ vào tháng Năm vừa qua đã khẳng định vị thế của một cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Trước đây, không một cảng nào ở miền Bắc có đủ năng lực tiếp nhận những tàu mẹ lớn như vậy, tàu buộc phải quá cảnh qua Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Singapore, thời gian vận chuyển được rút ngắn từ 5- 7 ngày...

Thành công sự kiện này là minh chứng khẳng định các bến cảng nước sâu đầu mối của Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng ngành vận tải biển thế giới, góp phần đưa Hải Phòng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế ngang tầm các cảng nước sâu đầu mối của khu vực và thế giới.

Để đạt mục tiêu này, ông Bùi Quang Huy cho rằng, bên cạnh các chủ trương, giải pháp từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch, đầu tư... thì các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng tháo gỡ bài toán về hạ tầng giao thông cho hàng hóa từ cảng nước sâu Lạch Huyện kết nối nhanh chóng với khu vực kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất xuất khẩu lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An...

Cùng với các cơ chế, chính sách thuận lợi, thủ tục hành chính cần cải cách mạnh mẽ theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện cho các hãng tàu, doanh nghiệp đưa hàng hóa qua cảng.

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hải Phòng muốn phát triển triển trở thành trung tâm logistics thì cần có một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ hoạt động này, từ việc giải phóng mặt bằng đến miễn giảm giá thuê đất với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics; giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được; tiếp tục phát triển Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với quy hoạch cụ thể cho cầu cảng phục vụ chuyên chở vùng châu Á và cầu cảng chuyên chở hàng châu Âu, châu Mỹ...

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các loại hình dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao, ông Minh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố - ông Nguyễn Văn Thành cho rằng để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp VSIP, Khu Công nghiệp An Dương, khu vực đảo Cát Hải để tạo quỹ đất cùng những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư.

Hải Phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đã được bố trí vốn, huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách cùng tham gia đầu tư; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, xúc tiến đầu tư phát triển và mở rộng thị trường dịch vụ logistics./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục