Tiêm vaccine cho trẻ - bước tiến trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng

Nhiều nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi, coi đây là một phần quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.
Tiêm vaccine cho trẻ - bước tiến trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Mexico City, Mexico, ngày 25/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các nước dần mở cửa trở lại và sống chung an toàn với COVID-19, việc bao phủ vaccine là điều kiện cần thiết.

Cùng với tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người trưởng thành và thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, nhiều nước cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho đối tượng dưới 18 tuổi, coi đây là một phần quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chiếm gần 30% dân số thế giới. Ở giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng COVID-19 ít gây nguy hại cho người dưới 18 tuổi, đây cũng không phải là nhóm được ưu tiên tiêm chủng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Detla dễ lây lan đã làm thay đổi quan niệm trên khi số ca mắc COVID-19 và nhập viện ở nhóm đối tượng này tăng mạnh.

[Mỹ: Moderna hy vọng vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi sẽ được phê duyệt]

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dù khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ở nhóm độ tuổi này thấp hơn người trưởng thành, song trong trường hợp bị mắc bệnh, các em cũng phải chịu những di chứng nghiêm trọng có thể kéo dài với mức độ tương đương như người lớn.

Theo thống kê, khoảng 4-11% bệnh nhân COVID-19 dưới 18 tuổi bị mắc hội chứng "COVID kéo dài."

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy COVID-19 gây tử vong cho trẻ cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu.

Trẻ mắc COVID-19 cũng có thể lây truyền cho các thành viên trong gia đình hoặc cho những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

Bởi vậy, các chuyên gia y tế chỉ rõ cần mở rộng nhóm đối tượng được vaccine bảo vệ sang những người dưới 18 tuổi.

Từ lâu, các hãng dược như Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), Moderna (Mỹ),  Sinopharm hay Sinovac (Trung Quốc)... đã tiến hành thử nghiệm đánh giá hiệu quả của các vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người trưởng thành đối với nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.

Theo thông báo của hãng Pfizer, vaccine phòng COVID-19 của hãng này và công ty BioNTech đạt hiệu quả tới 93% ngăn ngừa nguy cơ nhập viện đối với người từ 12-18 tuổi.

Pfizer và BioNTech cũng cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của họ có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 lên tới 90,7% với trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hãng dược phẩm Moderna khẳng định vaccine của hãng này tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có độ dung nạp tốt ở nhóm từ 6-11 tuổi.

Các hãng Sinopharm và Sinovac cũng thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng của vaccine ở nhóm trẻ 3-11 tuổi và từ 12 tuổi trở lên là an toàn như nhau, đồng thời mức độ sinh kháng thể cũng giống như người lớn.

Từ mùa Hè vừa qua, đặc biệt trước mùa tựu trường, nhiều nước đã triển khai tiêm vaccine cho những người dưới 18 tuổi, phân theo các nhóm độ tuổi khác nhau.

Theo thống kê sơ bộ, tới nay khoảng 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã triển khai hoặc thông báo kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.

Vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Sinovac là những loại được nhiều quốc gia cấp phép tiêm cho nhóm dưới 18 tuổi.

Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi.

Từ tháng 5/2021, Chính phủ Mỹ đã cho phép tiêm  vaccine của Pfizer/BioNTech cho nhóm trên 12 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày.

Hiện Mỹ đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5-11 tuổi với vaccine Pfizer/BioNTech. Còn tại Canada, đến giữa tháng 8 đã có 58% người từ 12-17 tuổi được tiêm đủ liều.

Trong khi đó, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà cho trẻ từ 2-11 tuổi sử dụng vaccine Soberana 02 tự bào chế. Cuba cũng sử dụng vaccine Abdala để tiêm cho nhóm từ 12-18 tuổi. Đây là 2 trong số 5 loại vaccine do Cuba nghiên cứu và sản xuất.

Theo Chính phủ Cuba, mục tiêu của chiến lược này là nhằm mở cửa trường học và hướng tới 92,6% dân số được tiêm vaccine vào tháng 11 tới.

Thống kê đăng tải trên báo Granma cho thấy tính đến ngày 21/10, hơn 1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, tương đương 90% nhóm đối tượng trong độ tuổi 2-18 tuổi  tại đảo quốc Caribe này, đã được tiêm 2 trong liệu trình 3 mũi vaccine (tiêm 2 mũi vaccine Soberana 02 và một mũi vaccine Soberana Plus với khoảng cách các mũi là 14 ngày).

Vaccine Soberana 02 của Cuba cũng được Venezuela sử dụng tiêm cho trẻ từ 2-12 tuổi. Nicaragua ngày 25/10 cũng bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi bằng vaccine do Cuba bào chế.

Vaccine của hãng Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc) cũng được một số nước Mỹ Latinh sử dụng.

Là một trong những nước đi đầu khu vực trong việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, Chile đã khởi động chương trình tiêm cho trẻ em từ 6-11 tuổi bằng vaccine của Sinovac.

Trước đó, nước này đã tiêm mũi  thứ nhất cho khoảng 1,6 triệu người từ 12-18 tuổi và khoảng 600.000 người trong độ tuổi này đã hoàn tất 2 mũi vaccine.

Tại Argentina, vaccine của hãng Sinopharm được cấp phép tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Từ ngày 18/10, Ecuador chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, sử dụng 2 loại vaccine của Pfizer và Sinovac.

Cụ thể, nhóm trẻ em 5 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Pfizer với điều kiện đã hoàn tất phác đồ vaccine đối với các căn bệnh khác. Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Sinovac.

Các nước châu Âu cũng triển khai sớm việc tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.

Tháng 5/2021, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer cho thiếu niên trong độ tuổi 12-15 và vaccine của Moderna cho nhóm 12-17.

Đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Đan Mạch, Italy, Phần Lan, Hungary, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Áo đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên.

Đơn cử như Pháp đã thực hiện chiến lược tiêm chủng này từ ngày 15/6, hiện hơn 60% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liều.

Anh bắt đầu tiêm cho nhóm 16-17 tuổi trước tiên (từ ngày 23/8), trong khi khuyến khích tiêm cho nhóm 12-15 tuổi thuộc diện nguy cơ mắc COVID-19 cao hoặc sống với người lớn có nguy cơ bệnh nặng.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng chậm đang khiến tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 gia tăng ở Anh, đặc biệt tại vùng England.

Tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm tuổi đến trường ở vùng England đang tụt hậu so với nhiều quốc gia châu Âu khác và thậm chí với cả vùng Scotland.

Còn tại châu Phi, Chính phủ Nam Phi thông báo sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tuần này, sử dụng vaccine của Pfizer.

Tại châu Á, Trung Quốc ngày 7/6 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ bất hoạt cho người từ 3 đến 17 tuổi nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng ít nhất 70% dân số cả nước ở mọi nhóm tuổi và đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021.

Sau quyết định trên, chiến lược tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi ở Trung Quốc được triển khai theo từng bước, chia theo nhóm tuổi và ưu tiên địa phương có rủi ro cao.

Nhóm đối tượng này sẽ phải tiêm đủ 2 mũi với khoảng cách ít nhất 3 tuần. Riêng những người đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine sau 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh.

Ấn Độ, quốc gia có số trẻ vị thành niên đông nhất thế giới với 253 triệu người, đã triển khai tiêm vaccine của hãng dược Zydus Cadila đối với nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên từ tháng 8 vừa qua.

Đây là loại vaccine DNA đầu tiên trên thế giới, cho người trên 12 tuổi với liệu trình gồm 3 mũi tiêm.

Tiêm vaccine cho trẻ - bước tiến trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng bắt đầu đưa nhóm dưới 18 tuổi vào chương trình tiêm chủng nhằm sớm mở cửa lại trường học.

Vaccine của Pfizer và Sinovac được đa số các nước trong khu vực sử dụng để tiêm cho nhóm đối tượng này.

Từ đầu tháng 7, nhiều địa phương ở Indonesia bắt đầu tổ chức tiêm cho nhóm từ 12-17 tuổi bằng vaccine của hãng Sinovac. Malaysia cũng đã phê chuẩn vaccine của Sinovac cho nhóm này. Indonesia cũng đặt mục tiêu triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ đầu năm 2022 nếu các thử nghiệm lâm sàng được hoàn tất.

Hiện nước này được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em vaccine do các hãng Sinovac, Sinopharm và Pfizer sản xuất.

Từ ngày 4/10, Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm cho nhóm từ 12-18 tuổi bằng vaccine của Pfizer với  mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11.

Campuchia cũng triển khai tiêm phòng cho nhóm từ 6-18 tuổi trên cả nước từ đầu tháng 8. Theo tờ Khmer Times, 98,31% trẻ em từ 6-12 tuổi ở nước này đã tiêm đủ liều bằng vaccine của Sinovac.

Ngoài ra, 90,24% thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi đã tiêm vaccine. Campuchia sử dụng vaccine của Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca (Anh) để tiêm cho nhóm đối tượng này.

Philippines từ ngày 15/10 đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho nhóm từ 12-17 tuổi.

Tiêm vaccine cho trẻ - bước tiến trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng ảnh 3Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tại Việt Nam, song song với việc  đẩy nhanh tiêm vaccine cho người trưởng thành, việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng từ 12-18 tuổi đã được lên kế hoạch.

Từ ngày 27/10, huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh  trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm chủng cho nhóm từ 12-18 tuổi, sử dụng vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất.

Đây là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi và đã được nhiều nước sử dụng.

Chuyên gia dịch tễ học Manfred Green, Giáo sư Trường đại học Y tế cộng đồng thuộc Đại học Haifa (Israel), nhấn mạnh cần tiêm phòng cho nhóm dưới 18 tuổi để kiểm soát đại dịch bởi việc làm này sẽ giúp giảm số người chưa được miễn dịch trong cộng đồng.

Trong khi đó, ông Zhang Zoufeng, Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ học thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ) tin tưởng đây sẽ là một "bước tiến quan trọng” trong cuộc chiến với COVID-19 bởi việc tiêm chủng cho nhóm dưới 18 tuổi giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho một phạm vi dân số rộng lớn hơn và chặn đứng sự lây lan của đại dịch.

Với những lợi ích đáng kể đem lại, có thể thấy, việc mở rộng tiêm chủng cho nhóm dưới 18 tuổi chính là bước tiến trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng ở nhiều nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục