Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, phòng, chống cháy rừng xảy ra.
Theo số liệu được ngành chức năng công bố, đến năm 2024, tại Tiền Giang, diện tích đất có rừng là 2.435,89ha, thuộc địa bàn các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Tân Phước, trong đó diện tích rừng phòng hộ là 1.321,70ha, rừng sản xuất 1.114,19ha.
Thượng tá Lê Thanh Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết bên cạnh tăng cường huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đơn vị còn phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho tổ chức, người dân.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ các cấp phối hợp Công an địa phương có rừng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy rừng, kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, thường xuyên thông báo nội quy dùng lửa trong rừng và ven rừng, huy động lực lượng, phương tiện dập tắt khi xảy ra cháy.
Huyện Tân Phước hiện có hơn 1.131ha rừng, trong đó, Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) là nơi có hệ sinh thái vùng ngập nước độc đáo, đa dạng, bảo tồn được nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, mùa khô đang vào cao điểm, nguy cơ cháy xảy ra cao, công tác phòng, chống cháy rừng ở Khu bảo tồn được đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Quang Viên, Giám đốc Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, cho biết để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay, Ban Quản lý đã lập kế hoạch giữ ẩm cho thảm thực vật và mặt đất bằng cách bố trí 2 cống hở cùng 1 trạm bơm điện công suất lớn để bơm nước vào ngập đồng, hạn chế nguy cơ cháy.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã ký kết về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với chính quyền địa phương cùng các đơn vị đóng trên địa bàn.
Đơn vị tổ chức tuyên truyền trực tiếp với người dân vùng đệm Khu bảo tồn thông qua các buổi giao lưu, tiếp xúc để nâng cao ý thức cho người dân; xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy hằng năm.
Qua 23 năm thành lập Khu bảo tồn, đến nay công tác đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy rừng được luôn thực hiện tốt.
Chính quyền địa phương có rừng phòng hộ ven biển như các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa khô nhằm hạn chế tối thiểu vụ cháy xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cùng Ủy ban nhân dân các địa phương có rừng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đề xuất thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Nhà nước.
Ủy ban Nhân dân các địa phương có rừng chỉ đạo lực lượng Công an xã phối hợp với lực lượng Quân sự và Bộ đội Biên phòng thường xuyên nắm diễn biến tình hình phòng phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các địa phương, đơn vị rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hằng năm phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ.”
Các xã có rừng củng cố Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã cùng các tổ, đội chữa cháy để xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh cháy rừng; tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí lực lượng tại các chòi canh, tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm các vụ cháy rừng xảy ra./.
Thủ tướng: Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Những ngày tới nắng nóng sẽ xảy ra ở nhiều nơi, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.