TOKYO, NHẬT BẢN – Media OutReach – Ngày 30 tháng 9 năm 2019 – Tổ chức Năng suất châu Á (The Asian Productivity Organization – APO) thông báo, Tiến sĩ AKP Mochtan đã chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thư ký APO vào ngày 16 tháng 9 năm 2019, sau khi được bầu tại Phiên họp thứ 61 của Tổ chức này vào tháng 4 năm 2019 tại Manila, Philippines.
Tiến sĩ AKP Mochtan, Tổng thư ký APO
Click vào đây để có dữ liệu của ảnh
Tiến sĩ Mochtan từng là Phó tổng thư ký ASEAN, từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 8 năm 2019. Tại đây, ông giám sát các chức năng tổ chức chính của các bộ phận tài chính và ngân sách, nguồn nhân lực, quản trị, công nghệ thông tin, an ninh và giao thức, các vấn đề pháp lý, cũng như quan hệ cộng đồng và các chức năng tiếp cận khác. Trước đó, ông là Giám đốc của đội quản lý quỹ hội nhập Nhật Bản – ASEAN có trụ sở tại Jakarta trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 8 năm 2013.
Tiến sĩ Mochtan đã có mối quan hệ lâu dài với APO. Ông đã giữ nhiều vị trí trong Ban thư ký, bao gồm: Chuyên viên thông tin & Quan hệ công chúng; Cán bộ chương trình, Phòng nghiên cứu & kế hoạch; Cán bộ chương trình cao cấp, Bộ phận Công nghiệp; và Giám đốc, Phòng Hành chính & Tài chính. Ông cũng đã làm việc tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Văn phòng Jakarta; Đại học Liên hợp quốc ở Tokyo và Cơ quan chuyển tiếp của Liên hợp quốc ở Phnom Penh, Campuchia.
Tổng thư ký mới của APO phát biểu: “Tôi vui mừng quay trở lại APO, phục vụ các nền kinh tế thành viên, với tư cách là Tổng thư ký thứ 12 của APO, cơ quan có lịch sử lừng lẫy 58 năm và sẽ kỷ niệm 60 năm vào năm 2021. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những khoảng cách trong năng suất cũng như các vấn đề mới đang nổi lên. Chúng ta phải ưu tiên và đổi mới phong trào năng suất để APO luôn là tổ chức đảm nhận tốt các vấn đề có liên quan”.
Tiến sĩ Mochtan nhấn manh, trọng tâm mà ông quan tâm là “tính trung tâm của năng suất” và liệt kê sáu điểm chính: tăng cường quan hệ đối tác; nâng cao các tiêu chuẩn của APO; đạt được tầm nhìn cao hơn và nâng cao năng lực của APO; nâng cấp các tổ chức năng suất quốc gia; mời thêm đối tác chiến lược tham gia hợp tác; và truyền bá phong trào năng suất vượt ra ngoài các thành viên hiện có. Ông cũng nói thêm rằng, cải cách Ban Thư ký APO cũng là cần thiết để củng cố sự đổi mới của phong trào năng suất.
Sau khi nhận bằng Thạc sĩ về Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc tế Nhật Bản, Urasa, ông Mochtan đã được trao bằng Tiến sĩ Triết học tại Trường quản lý thuộc Đại học Quốc tế Christian ở Tokyo. Bằng đại học của ông là về lĩnh vực xã hội học, sau khi ông đã theo học tại Khoa Khoa học xã hội và Chính trị, Đại học Indonesia, Jakarta.
Trong thời gian học, ông Mochtan là người được nhận học bổng luận án tiến sĩ từ Quỹ Nhật Bản và học bổng của Bộ Giáo dục, Khoa học & Văn hóa Nhật Bản. Ông đã hoàn thành khóa đào tạo quản lý điều hành do Tổ chức Rights Management Japan cung cấp tại Tokyo; một khóa học tại Đại học Hải quân Hoa Kỳ tại Rhode Island; và Khóa huấn luyện gìn giữ hòa bình của Trung tâm tác chiến chung, Không quân Hoàng gia Australia, New South Wales. Ông cũng học tập tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế và Trường quan hệ Quốc tế, Đại học Indonesia, Jakarta.
Thông tin về APO
Tổ chức Năng suất châu Á (APO) là một tổ chức liên chính phủ cam kết cải thiện năng suất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Được thành lập vào năm 1961, APO đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của khu vực, thông qua các dịch vụ tư vấn chính sách, hoạt động như một cơ quan cố vấn chính sách cấp cao và thực hiện các sáng kiến thông minh trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công cộng. APO đang định hình tương lai của khu vực bằng cách hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao năng suất và thông qua hàng loạt các nỗ lực xây dựng năng lực thể chế, bao gồm nghiên cứu và trung tâm xuất sắc ở các nước thành viên.
Các thành viên APO hiện tại là: Bangladesh, Campuchia, Đài Loan, Fiji, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.