Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Phạm Thanh Hải tự xưng là tiến sỹ từng có nhiều năm kinh doanh tại Nga và đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang mạng “hoclamgiau.vn,” kêu gọi hàng nghìn cá nhân góp vốn đầu tư với lãi suất cao để chiếm đoạt.
Với mức lãi suất từ 40-50%/năm do Hải “vẽ” ra, 2.574 cá nhân đã góp vốn 2.725 tỷ đồng cho “tiến sỹ làm giàu” Phạm Quang Hải.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (viết tắt là công ty IDT) được thành lập từ năm 2007 và đăng ký các hoạt động kinh doanh chính gồm dịch vụ hỗ trợ giáo dục, hoạt động tư vấn quản lý, sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm… Công ty không có chức năng huy động vốn, hoạt động tín dụng.
Ban đầu Công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân Hải, nhưng lại lấy danh nghĩa của công ty IDT để giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư.
Cụ thể, Hải tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội “hoclamgiau.vn” và tự giới thiệu mình là tiến sỹ có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên bang Nga và là người có tài đầu tư, kinh doanh.
Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô” (cây macca)...
Các hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư được Hải đưa ra có mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm) và được cắt lãi ngay khi nộp tiền dù chưa có hoạt động kinh doanh.
Căn cứ vào tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định, trong 1 năm, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, có 2.574 cá nhân ký 8.303 hợp đồng góp vốn với tổng số tiền huy động theo phiếu thu là 2.725 tỷ đồng.
Phần lớn số tiền được Hải sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án... để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người.
Chỉ một phần nhỏ trong số tiền đó được Hải sử dụng để góp vốn dưới danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án (114 tỷ đồng trong tổng số 2.725 tỷ đồng), đến nay chưa phát sinh lợi nhuận gì.
Tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết.
Kết quả điều tra xác định các dự án đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải đã hứa hẹn với các nhà đầu tư và đều không phải là dự án của Công ty IDT như cam kết trong hợp đồng.
Xác minh tại một số doanh nghiệp có nhận góp vốn đầu tư cho thấy Phạm Thanh Hải đầu tư với danh nghĩa cá nhân, Công ty IDT không đứng ra đầu tư góp vốn.
Đại diện các công ty này khai từ khi thành lập đến nay vẫn đang trong quá trình đầu tư, phát triển, chưa có lợi nhuận.
Mặc dù huy động vốn của nhiều người với số tiền rất lớn, Phạm Thanh Hải không quản lý việc thu chi tiền theo sổ sách kế toán, không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn.
Càng về sau, số lượng người nộp tiền cho Hải ngày càng nhiều với số lượng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Để có tiền chi trả cả gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, Hải phải tiếp tục huy động vốn, mở rộng mạng lưới bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Hiện Phạm Thanh Hải bị mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư.
Tổng số người bị hại đã đến khai báo tại cơ quan điều tra là 496 người với số tiền chiếm đoạt là 455 tỷ đồng.
Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 577 tỷ đồng./.