Tiếp nhận tài liệu của Nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn, gồm tài liệu giấy, băng, kỷ vật, tiêu biểu là các bản thảo viết tay và đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh," “Bông sen vàng”...
Tiếp nhận tài liệu của Nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng ảnh 1Đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận hiện vật của nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng hồi tháng 3. (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), sáng 5/5, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu của Nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng.

Đây là lần thứ ba Trung tâm được tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn, gồm tài liệu giấy, băng, kỷ vật. Tiêu biểu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh," “Bông sen vàng”, “Sen vàng - con đường từ Huế” "Chiến khu lõm," "Người vẽ cờ Tổ quốc," “Từ con đường ấy," “Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc," “Con đường và con người," “Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52," "Truyện Trần Phú," “Nhớ Nguồn," “Mở khúc hành xuân," “Những ngày bên Bác”

Các bài viết gồm “Tấm lòng Bác với tấm khăn người mẹ Thái," “Bác vẫn còn nhớ Hội An," “Chân dung một con người," "Bóng mát Bác Hồ," “Kim Côn Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bác Hồ," “Người thủy thủ huyền thoại," “Nhớ một cái Tết Bác Hồ," “Hồ Chí Minh sang thế kỷ," “Những chuyện về Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình gửi bảo quản tại Trung tâm 15 băng “Bác Hồ đến Mỹ," “Người chụp ảnh Bác Hồ," “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ," “Hẹn gặp lại Sài Gòn”... và nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các danh hiệu Anh hùng Lao động, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương...

Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa và niềm say mê nghệ thuật của Nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa nghiên cứu về cuộc đời, hoạt động, đóng góp của nhà văn với văn học nghệ thuật nước nhà và với công tác lưu trữ quốc gia, làm phong phú hơn thành phần Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam... Ông không chỉ là một thương binh nặng, một người có công với nước, mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.

“Đây là khối tài liệu đặc biệt," bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khẳng định.

Bà cho biết rất cảm động khi bên ban thờ, trước sự “chứng kiến” của Nhà văn Sơn Tùng và vợ ông, gia đình đã trao tặng Trung tâm khối tài liệu quý - kỷ vật được gia đình gìn giữ nhiều năm, trong đó có bản thảo viết tay tác phẩm “Búp sen xanh” mà ông đã dày công viết.

Từ những năm trước, Trung tâm đã được tiếp nhận các kỷ vật, bản thảo của nhà văn, nhưng chưa thành bộ sưu tập. Trong đợt trao tặng khối tài liệu lần này, còn có những kỷ vật ít thấy trong Trung tâm lưu trữ như bức hoành phi, hơn 60 chai rượu ông được bạn bè trong nước và nước ngoài tặng.

[Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng nhiều tài liệu quý về Bác Hồ]

Gửi lời cảm ơn gia đình Nhà văn Sơn Tùng đã trao tặng các kỷ vật, tài liệu vào dịp ý nghĩa - kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Trần Việt Hoa cho biết Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu. Các bản thảo gốc sẽ số hóa để bảo quản nguyên vẹn tài liệu phục vụ cho công tác tra cứu. Trung tâm tiến hành triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ công chúng trong nước và nước ngoài, giới thiệu cho các địa phương về khối tài liệu, đặc biệt là giáo dục truyền thống trong học sinh, sinh viên.

Chia sẻ về quyết định trao tặng tài liệu của cha mình, ông Bùi Sơn Định cho biết là người trông coi di sản của cha mẹ để lại, ông cũng muốn giữ lại để làm nhà lưu niệm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh không cho phép, khó lòng bảo quản tốt khối tài liệu, gia đình đã thống nhất gửi gắm vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III với mục đích lưu lại dấu ấn lịch sử của gia đình, đặc biệt là của cha ông - Nhà văn Sơn Tùng, với những năm tháng dài đi sưu tầm tư liệu, viết nên 16 tác phẩm riêng về mảng đề tài Bác Hồ.

“Tôi thay mặt cha mẹ gửi gắm vào đây, để giữ lại cho bây giờ cũng như các thế hệ mai sau biết được cuộc sống, sự lao động của cha tôi - một thương binh nặng 1/4. Tác phẩm ‘Búp sen xanh’ làm nên tên tuổi của tác giả. Cha tôi có 16 tác phẩm, nhưng người ta vẫn nhớ đến ‘Búp sen xanh.' Chính tác phẩm này đã đưa Sơn Tùng đến với bạn đọc, đến nay là 41 năm," ông Bùi Sơn Định nói.

Tiếp nhận tài liệu của Nhà văn Sơn Tùng do gia đình trao tặng ảnh 2Nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Tại buổi lễ, ông Trần Tam Giáp, Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm “Búp sen xanh," về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nhà văn Sơn Tùng.

Ông Trần Tam Giáp là người đạp xe đưa Nhà văn Sơn Tùng vào Văn phòng Chính phủ để gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi về cuốn sách, là người cầm cuốn sách “Búp sen xanh” lên tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cũng là người chuyển lời tựa Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết cho cuốn sách này trong lần tái bản đầu tiên năm 1983.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, bí danh Ái Thanh, bút danh Sơn Tùng, Sơn Phong. Ông sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy, nay là xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước, ông có 10 năm hoạt động cách mạng ở quê nhà.

Không chỉ là một chiến sỹ tham gia hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là một phóng viên, một nhà tuyên truyền, và hơn hết ông còn là một nhà văn với nhiều sáng tác thuộc các thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim… Một trong những đề tài ông tâm huyết và dày công sáng tác là viết về Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Dù trong công tác, làm báo hay khi đã vào chiến trường, rồi hòa bình lập lại, mặc dù bị thương tật, thị lực kém, ông vẫn luôn nhiệt huyết, viết, tìm gặp nhân chứng liên quan đến đề tài để viết. Cuối tháng 6/2010, Nhà văn Sơn Tùng lâm bệnh nặng do vết thương sọ não tái phát.

Hơn 10 năm nằm bất động trên giường bệnh, ông không còn sáng tác được nữa. Ngày 22/7/2021, ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ghi nhận công lao đóng góp của Nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng thời kỳ cứu nước, nghị lực phi thường của một thương binh nặng “tàn nhưng không phế," Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động.

Sinh thời, ông đã gửi rất nhiều bản thảo, tác phẩm vào cơ quan lưu trữ quốc gia để các tác phẩm và những trang văn, nét chữ của ông còn mãi với thời gian, sẻ chia cùng độc giả và những người quan tâm. Ông là một trong những cá nhân từ rất sớm đã tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của mình vào cơ quan lưu trữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.