Tiếp tục hoãn phiên tòa xử phúc thẩm vụ Ngân hàng Đông Á giai đoạn 2

Sau khi đã bị hoãn hồi tháng 5 do không đủ người có liên quan, phiên tòa tiếp tục bị hoãn vào ngày mở lại 22/11 do kiểm sát viên tham gia phiên xét xử có kết quả test nhanh dương tính.
Tiếp tục hoãn phiên tòa xử phúc thẩm vụ Ngân hàng Đông Á giai đoạn 2 ảnh 1Bị cáo Trần Phương Bình trong phiên xử ngày 27/11/2020. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 22/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) và các đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 5/2021, phiên tòa phúc thẩm bị hoãn do bị cáo có kháng cáo và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo vắng mặt.

Trong phần làm thủ tục phiên tòa, chủ tọa phiên tòa thông báo hoãn phiên tòa, ngày mở phiên tòa mới sẽ được ấn định sau. Lý do là kiểm sát viên tham gia phiên xét xử có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Do đây là vụ án lớn, thời gian xét xử kéo dài, các kiểm sát viên này phải theo dõi xuyên suốt vụ án nên sự phân công thay thế đòi hỏi phải có thời gian.

Đồng thời, trong 10 bị cáo kháng cáo có một người tại ngoại và người này vừa mới báo với tòa là thuộc diện F1, xin hoãn phiên tòa. 

[Truy tố lần 3 nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình]

Trước đó, vào ngày 27/11/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án chung thân.

Trong thời gian từ năm 2007-2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Riêng việc cho bốn nhóm khách hàng gồm Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC), Đồng Tiến, nhóm M&C, Tân Vạn Hưng vay, đã gây thiệt hại cho ngân hàng 8.751 tỷ đồng. 

Bị cáo Bình đã bàn bạc với các nhóm khách hàng gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Thịnh (TTC) Nguyễn Thiện Nhân (đang bỏ trốn), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C Phùng Ngọc Khánh... về việc dùng nhiều pháp nhân vay tiền của DAB. 

Các khoản vay đều không được sử dụng đúng mục đích, vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, Trần Phương Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 75,6 tỷ đồng bằng cách nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại DAB rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt số tiền này nhằm trả các khoản nợ. 

Hội đồng xét xử nhận định vai trò của bị cáo Phùng Ngọc Khánh chỉ đứng sau Trần Phương Bình trong vụ án. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng." 

Mười bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất là 7 năm tù, cùng về tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng." 

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Bình bồi hoàn hơn 2.000 tỷ đồng cho DAB; bị cáo Phùng Ngọc Khánh bồi hoàn hơn 3.949 tỷ đồng vì đã gây thiệt hại cho DAB thông qua các khoản vay của nhóm M&C./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục