Tiết lộ về cách Triều Tiên đạt được tiến bộ trong công nghệ hạt nhân

Tờ Wall Street Journal có bài viết cho rằng sở dĩ Triều Tiên đạt được thành tựu trong công nghệ hạt nhân, là do chuyên môn mà các nhà khoa học Triều Tiên du học ở nước ngoài, đặc biệt tại Trung Quốc.
Tiết lộ về cách Triều Tiên đạt được tiến bộ trong công nghệ hạt nhân ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong một chuyến thăm Viện vật liệu hóa chất thuộc Học viện công nghệ quốc phòng. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo Đài RFI, mới đây, tờ Wall Street Journal của Mỹ có bài viết cho rằng sở dĩ Triều Tiên đạt được những thành tựu trong công nghệ hạt nhân, là do chuyên môn mà các nhà khoa học Triều Tiên du học ở nước ngoài, đặc biệt tại Trung Quốc.

Tờ báo cho biết rõ ràng có nhiều vi phạm liên quan đến một số bộ môn bị cấm giảng dạy cho người Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt năm 2016 của Liên hợp quốc.

Một số quan chức tỏ ra lo ngại rằng dù quốc tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể đã có đủ kiến thức riêng để phục vụ các mục tiêu hạt nhân của họ.

Theo đánh giá của Wall Street Journal, dựa vào phân tích các số liệu chính thức, hàng trăm nhà khoa học Triều Tiên đã du học nước ngoài trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều trường nằm trong các khu vực mà Liên hợp quốc cho rằng có thể đã giúp chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trong một bản báo cáo hồi tháng 2/2017, các chuyên gia của Liên hợp quốc đã phát hiện một số người Triều Tiên nghiên cứu vật lý ở Italy và bốn người nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật và thông tin điện tử ở Romania vào năm 2016 sau lệnh cấm.

Các chuyên gia Liên hợp quốc cũng cho rằng hai người Triều Tiên đã được tập huấn vào năm 2016, trước khi có lệnh cấm, tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của Ấn Độ.

[Thông tin về hai nhà khoa học liên quan đến vụ thử hạt nhân Triều Tiên]

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút phần lớn các nhà khoa học Triều Tiên sang du học. Theo thống kê của Wall Street Journal, dựa trên các số liệu chính thức và dữ liệu từ các trường đại học, tại Trung Quốc, năm 2015 có 1.086 sinh viên Triều Tiên học sau đại học, so con số 354 sinh viên vào năm 2009 được công bố trong một tài liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Tuy nhiên, tài liệu không cho biết họ đã học ở trường nào và chuyên ngành gì. Phía Bộ Giáo dục Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.

Trong số những nhà khoa học Triều Tiên đầu tiên đến Trung Quốc, có Kim Kyong Sol, người từng làm luận văn tiến sỹ về Cơ điện tử, chuyên ngành giảm chấn từ trường MagneRide (MR), ở Viện Công nghệ Uy Hải (HIT) hơn một năm sau khi Liên hợp quốc ban hành lệnh trừng phạt.

Chuyên môn mà ông Kim Kyong Sol theo học có thể được sử dụng để ổn định hoạt động tàu vũ trụ và hấp thụ sốc trong hệ thống phóng tên lửa, kể cả tầu ngầm.

Giáo sư Trần Triệu Ba, một chuyên gia về kiểm soát rung động, từng hướng dẫn luận văn tiến sỹ của ông Kim Kyong Sol, cho biết ông Kim Kyong Sol đã không được tiếp cận với công nghệ quốc phòng bí mật của Trung Quốc, nhưng nghiên cứu của cựu sinh viên này, nếu được phát triển hơn nữa, có tiềm năng sử dụng cho dân sự và quân sự, kể cả trong lĩnh vực không gian.

Ông David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên hợp quốc và là chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, cho rằng điểm chung của các quốc gia đang tìm cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt là tìm kiếm kiến thức ở nước ngoài, trong đó có cả việc cử các nhà khoa học đi học và tham dự các hội nghị. Theo ông, các trường kỹ thuật và các chương trình đào tạo của Trung Quốc cung cấp “cơ hội để hòa nhập với những người có thông tin nhạy cảm, ví dụ người Trung Quốc từng tham gia các chương trình quân sự."

Cử các nhà khoa học ra nước ngoài nghiên cứu và đãi ngộ họ, là trung tâm của chính sách tiến bộ song song “Byungjin” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, để vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế. Ông Kim Jong-un công khai chính sách này ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Nhiều chuyên gia và chính phủ phương Tây cho biết chính sách “Byungjin” đã giúp Bình Nhưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, gồm các nhà luyện kim để tạo ra các hợp kim mạnh nhưng nhẹ cho tên lửa, các nhà toán học điều chỉnh các tên lửa và các kỹ sư vệ tinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.