“Cô ấy có nước da rất trắng và thuần khiết,” một người chơi nam giới tham gia Single’s Inferno (Địa ngục độc thân), chương trình hẹn hò đình đám của Hàn Quốc năm 2021, cho biết khi mô tả ấn tượng đầu tiên của mình về một người chơi nữ.
Những người chơi nam còn lại cũng bày tỏ sự khen ngợi đối với cô gái đó và nói rằng cô ấy là hình mẫu của họ bởi họ “thích những người có làn da sáng.”
Tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế
Năm 2021, cùng với Squid Game, chương trình hẹn hò ăn khách này đã khiến Hàn Quốc thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nhưng nó cũng cho thấy nỗi ám ảnh của đất nước này về những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế.
Theo Korea Times, Hana Kim, một người Mỹ gốc Hàn cho rằng tiêu chuẩn sắc đẹp của Hàn Quốc là quá khắt khe và độc hại đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Khi cô còn trẻ, gia đình đã đề nghị cô đi phẫu thuật thẩm mỹ để “trông xinh đẹp hơn.” Mẹ cô thậm chí còn tặng một gói phẫu thuật thẩm mỹ khi cô tốt nghiệp đại học.
“Mẹ tôi chắc chắn là một kiểu người mẹ đang rất thịnh hành trên mạng xã hội hiện nay. Bà bị ám ảnh bởi cân nặng của tôi và của chính bà. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều trong một thời gian dài để giữ vững lòng tự trọng của mình khi phải nghe những câu như tôi sẽ xinh đẹp hơn nếu làm điều này, hoặc nếu giảm cân,” Kim nói.
Kim và bạn bè của cô thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc là đất nước có tiêu chuẩn về sắc đẹp cao nhất thế giới.
Jessica Harris, một người nước ngoài, chưa từng bao giờ nghĩ đến việc phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, thời gian sống ở Hàn Quốc đã khiến cô thay đổi. Cô giải thích: “Mọi người luôn nói về botox, sửa mũi hoặc các quy trình chăm sóc da tốt nhất. Thật khó để không nghĩ về điều đó khi nó luôn là tất cả những gì mà bạn bè của bạn nói tới.”
Harris bắt đầu cho rằng việc nâng cấp ngoại hình của mình theo tiêu chuẩn Hàn Quốc sẽ là một ý tưởng không tồi.
“Tôi đã đi hẹn hò giấu mặt với một chàng trai và sau cuộc hẹn, anh ấy nói với bạn tôi rằng trông tôi sẽ đẹp hơn nhiều nếu giảm cân và đi sửa mũi,” Harris cười cho biết. Nhận xét này cuối cùng đã khiến cô quyết định thực hiện ca phẫu thuật nâng mũi trị giá 500 triệu won tại một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng ở Gangnam, một khu vực sang trọng ở phía Nam Seoul.
Harris không hề hối tiếc. Trên thực tế, cô nói rằng đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời cô. “Tôi thực sự đã tự tin hơn rất nhiều. Mọi người nói rằng giờ đây trông tôi dịu dàng và nữ tính hơn trước nhiều.”
Mặc dù tuyên bố từ giờ trở đi sẽ không thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật lớn nào nữa, nhưng cô vẫn thường xuyên đến các phòng khám da liễu để thực hiện các quy trình chăm sóc da như tiêm tiêm glutathione (còn được gọi là "baekokjusa") để làm trắng và sáng da.
Hàn Quốc không phải là nơi duy nhất
Khi được hỏi rằng liệu cô có cảm thấy các tiêu chuẩn sắc đẹp của Hàn Quốc là phi thực tế hay không, Harris cho biết Hollywood cũng không thực tế hơn chút nào. “Hollywood cũng có những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế.
Ý tôi là hãy nhìn Kendall Jenner và Bella Hadid. Rất nhiều cô gái muốn trông giống họ. Tôi nghĩ mọi tiêu chuẩn sắc đẹp nói chung là phi thực tế. Ngày nay, mọi người đều chỉnh sửa ảnh và sử dụng các bộ lọc khi chụp ảnh. Tôi thấy rất nhiều những bức ảnh trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ của các ngôi sao Hollywood nhưng mọi người lại làm ra vẻ như Hàn Quốc mới là nơi duy nhất thực hiện các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ,” cô nói.
Harris đã đúng khi cho rằng Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất đặt ra những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế. Theo một báo cáo của Dove, sự hắt hủi và phân biệt đối xử về ngoại hình do các tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại đặt ra đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Mỹ.
Trong thời đại ngày nay, các tiêu chuẩn sắc đẹp được đặt ra chủ yếu theo những gì được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như TikTok và Instagram. Huffington Post đã thực hiện một cuộc khảo sát về những người ở độ tuổi từ 18 đến 34, và một nửa trong số họ cho biết những hình ảnh trên mạng xã hội khiến cho họ cảm thấy bản thân mình “xấu xí hoặc kém hấp dẫn.”
Những siêu mẫu như Hadid thường được coi là tiêu chuẩn sắc đẹp. Vòng eo nhỏ, đùi to, môi dầy và bụng phẳng lỳ là những tiêu chuẩn để được coi là đẹp ở Mỹ. Với việc kích thước trung bình của phụ nữ Mỹ là 16 (size XL), những tiêu chuẩn này thật sự không hề thực tế.
Mặc dù các học giả không có lời giải thích tại sao các tiêu chuẩn sắc đẹp lại tồn tại, nhưng có thể chắc chắn một điều là việc theo đuổi những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế có thể gây bất lợi cho sức khỏe của một cá nhân.
Vào cuối năm 2021, Wall Street Journal đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy Instagram là thủ phạm chính khiến nỗi ám ảnh hình thể càng trở nên tồi tệ hơn đối với 35% những cô bé tuổi teen.
Instagram có khuynh hướng tích cực quá mức, và người dùng thường sẽ đăng tải những hình ảnh lý tưởng nhất của bản thân. Điều này dẫn đến sự so sánh không lành mạnh giữa một hình ảnh đã được lý tưởng hóa với thân hình thực tế của một cá nhân, tạo nên cảm giác tiêu cực về ngoại hình của chính mình.
Nghiên cứu này cũng chứng minh rằng mức độ không hài lòng về cơ thể cao hơn khiến các cá nhân có nguy cơ thực hiện các hành vi ăn uống không lành mạnh và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Annabelle Lee sinh năm 2000, thuộc thế hệ Gen Z. Là một người Mỹ gốc Hàn, cô có điều kiện được tiếp xúc với tiêu chuẩn sắc đẹp của cả Mỹ và Hàn Quốc.
Khi được hỏi tiêu chuẩn sắc đẹp của quốc gia nào phi thực tế hơn, cô cho biết: “Cả hai đều khá phi thực tế, theo cách riêng của mình. Ở Hàn Quốc, tôi nghĩ tiêu chuẩn sắc đẹp chủ yếu dựa vào cân nặng. Thậm chí cân nặng và chiều cao lý tưởng sẽ là 45kg và 1m65, điều này rất phi thực tế với hầu hết phụ nữ thậm chí là ở cả Hàn Quốc. Ở Mỹ, cân nặng không phải là điều quan trọng. Tiêu chuẩn sắc đẹp thường tập trung vào một số đặc điểm nhất định như đôi môi dày và mọng, cặp mông trông thật tuyệt vời khi mặc quần legging.”
“Tuy nhiên, tôi nghĩ tiêu chuẩn sắc đẹp của Hàn Quốc có ảnh hưởng tiêu cực đến tôi nhiều hơn là tiêu chuẩn sắc đẹp của Mỹ. Khi tôi đến Hàn Quốc để gặp gia đình, điều đầu tiên họ nhận xét là cân nặng của tôi. Lúc nào cũng là ‘ôi bạn gầy quá,’ hoặc ‘bạn tăng cân nhiều quá,’ ‘mặt bạn to quá’ và tôi nghĩ về những nhận xét đó rất nhiều khi nhìn mình trong gương,” Lee nói.
Cô tiếp tục: “Ở Mỹ, người ta thường bình luận về ngoại hình khi ai đó trông đẹp hơn trước. Nhưng hiện nay dường như cũng ít ai nói về điều đó. Nhưng bạn sẽ không bao giờ nghe thấy người ta bình luận về việc tăng cân của ai đó trước mặt người đó.”
Lee thừa nhận cô cũng gặp khó khăn với ngoại hình của mình. Sau chuyến du lịch Hàn Quốc vào mùa hè năm ngoái, cô bị ám ảnh bởi cân nặng. Cô đã đi khám và được chẩn đoán bị mắc hội chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình.
“Tôi không ngạc nhiên trước kết quả chẩn đoán, tôi nghĩ mình đã mắc bệnh ở một mức độ nào đó,” Lee nói khi uống nước hoa quả và cho biết hiện cô đang cai nghiện loại nước này. “Tôi nghĩ mình đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi đang học cách chấp nhận con người thật của mình, nhưng tôi vẫn dùng mạng xã hội và mỗi khi thấy ảnh của Jenni (BlackPink) hay Wonyoung của IVE, tôi không thể ngừng việc so sánh bản thân mình với những bức ảnh hoàn hảo của họ.”
Ở Mỹ, phong trào #BodyPositivity đã bắt đầu có những tác động tích cực và mọi người đang học cách trân trọng vẻ đẹp của chính mình với sự giúp đỡ của nhiều người có ảnh hưởng. Còn tại Hàn Quốc, tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ vẫn tiếp tục hướng tới một hình ảnh lý tưởng rất cụ thể - mặt nhỏ, cằm chữ V, da nhợt nhạt, mũi nhỏ, môi đầy đặn và thân mình siêu mảnh mai.
Đây là một tiêu chuẩn lý tưởng khó đạt được. Và nhiều người kỳ vọng phong trào #BodyPositivity có thể giúp thay đổi tiêu chuẩn đó ở quốc gia này giống như cách nó đã làm tại nước Mỹ./.