TikTok Shop bám trụ ở thị trường hàng đầu Đông Nam Á

Để ứng phó với lệnh cấm tại Indonesia, TikTok đã mua cổ phần của công ty Tokopedia, 1 trong những nền tảng thương mại điện tử chủ chốt của Indonesia, để vẫn có thể bán hàng tại thị trường này.

Biểu tượng của TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng của TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Indonesia mới đây đã ban hành lệnh cấm buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến việc hệ thống bán hàng thông qua nền tảng mạng xã hội TikTok (TikTok Shop) đã đưa ra phương thức mới nhằm giữ vững vị trí của mình tại thị trường hơn 270 triệu dân này.

Indonesia là một thị trường quan trọng và là nơi đầu tiên TikTok triển khai tính năng này.

Ứng dụng này, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, có khoảng 130 triệu người tại Indonesia sử dụng, gần bằng số lượng người dùng tại Mỹ.

Kể từ khi ra mắt tại Indonesia năm 2021, TikTok Shop đã trở thành một trong những nơi phổ biến nhất để người Indonesia mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng Chín, Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm bảo vệ những đơn vị kinh doanh nội địa vừa và nhỏ.

Quy định này đã trực tiếp đánh vào mạng xã hội TikTok, buộc nền tảng này phải đột ngột dừng hoạt động thương mại điện tử của mình.

Ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Momentum Works tại Singapore, trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times ngày 4/11 cho rằng Indonesia là thị trường mà TikTok không thể để mất. Hơn nữa, những hạn chế mới ở Indonesia có thể có sức lan tỏa đến các nước láng giềng thực hiện hành động tương tự.

Để ứng phó với quy định mới này, chỉ trong vòng vài tuần, TikTok đã mua cổ phần của công ty công nghệ Tokopedia-một trong những nền tảng thương mại điện tử chủ chốt của Indonesia với đa dạng dịch vụ (Gojek, Gopay…), thuộc tập đoàn công nghệ Indonesia Goto.

Như vậy, TikTok Shop vẫn là một phần của nền tảng truyền thông xã hội nhưng để làm hài lòng chính phủ, giao dịch diễn ra trên cơ sở hạ tầng do một công ty thương mại điện tử của Indonesia xây dựng là Tokopedia.

TikTok Shop vẫn xuất hiện dưới dạng một tab trong ứng dụng này, nhưng giờ đây được thay bằng logo và thương hiệu màu xanh lá cây đặc trưng của Tokopedia. Khi người mua hàng nhấp vào “Mua hàng,” quy trình thanh toán được chạy trên hệ thống của Tokopedia.

Như vậy, trong khi Tokopedia trả lại cho TikTok quyền vận hành TikTok Shop tại Indonesia, Tập đoàn Indonesia GoTo giữ lại gần 1/4 cổ phần của Tokopedia và được hứa hẹn sẽ được hưởng một phần lợi nhuận từ doanh số bán hàng trong tương lai của TikTok Shop.

Theo The Straits Times, TikTok đã trả 840 triệu USD và cho biết sẽ đầu tư thêm, lên tới tổng cộng 1,5 tỷ USD, vào nền tảng kết hợp này.

Hiện nay, TikTok Shop có mặt tại 8 quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, và 6 quốc gia Đông Nam Á, nơi giá trị giao dịch lên tới 16 tỷ USD vào năm 2023.

TikTok tại Mỹ đang phải đối mặt với lệnh cấm có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 1 sau nhiều năm giải quyết các mối lo ngại về ảnh hưởng và an ninh của mình.

Trong khi đó, tại Malaysia, nơi TikTok Shop nắm giữ gần 20% thị trường thương mại điện tử năm 2023, chính phủ cũng đang cân nhắc quy định giám sát mới cho nền tảng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục