Ngày 21/12, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học bàn về các giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết cùng với việc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn. Bộ đang xây dựng và hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các khu đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom đạt khoảng 85%, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình 40-55%.
Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất khó khăn, rác thải được thải trực tiếp ra ao hồ, sông, suối, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
[TP.Hồ Chí Minh: Bài toán xử lý rác thải và những bất cập đầu tư]
Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện đang gặp khó khăn do quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển từ điểm trung chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình mới đáp ứng một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.
Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn. Việc đầu tư, vận hành cơ sở xử lý chất thải tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa và tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp đa phần chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, do những ảnh hưởng tiêu cực của việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt... gây mất an ninh trật tự địa phương do người dân phản đối việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt. Do đó, thời gian tới, các địa phương tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải là cấp bách. Các công nghệ đang áp dụng chủ yếu trên thế giới gồm: Công nghệ ủ sinh học làm phân vi sinh, công nghệ đốt tiêu hủy, đốt thu hồi, đốt phát điện... công nghệ chôn lấp, các phương pháp khác như công nghệ ép kiện, hydromex, hóa dầu, viên nhiên liệu...
Việt Nam đang tập trung ba loại hình công nghệ chính là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Trong đó, chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã.
Ước tính khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà, chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ nhưng số lượng còn rất ít.
Công nghệ nhập ngoại chưa phù hợp với thực tế rác thải của Việt Nam do đặc điểm sinh hoạt, sử dụng, điều kiện thời tiết, khí hậu. Bởi vậy, các nhà khoa học cho rằng, cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ hiện có, nhất là công nghệ xử lý đốt trực tiếp chất thải rắn có thu hồi nhiệt, đốt chất thải rắn phát điện để hạn chế phải xây dựng thêm các bãi chôn lấp mới./.