Theo giới phân tích, “bức tranh” toàn cảnh ngành dầu khí trong nước vẫn chưa thể sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh ngành dầu khí thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Dựa trên kỳ vọng của các doanh nghiệp trong ngành, giới phân tích cho rằng, năm 2021 không phải là năm của cổ phiếu dầu khí. Dù vậy, trong khó khăn vẫn tồn tại cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành này.
Rủi ro giá dầu
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC, ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 với giả định giá dầu thế giới dưới 50 USD/thùng và đưa ra những mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu và nhiên liệu lỏng thế giới đã giảm từ mức 100,61 triệu thùng trong năm 2019 xuống 94,25 triệu thùng trong năm 2020.
Đối với giá dầu thô, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý 4 năm 2020.
[Những góc nhìn khác biệt về diễn biến thị trường chứng khoán sắp tới]
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021, do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi.
Giá dầu biến động mạnh trong năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí. Có thể kể đến một loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh như Tổng công ty Khí Việt Nam-PV GAS (mã chứng khoán: GAS).
Năm 2020, doanh nghiệp ước tính doanh thu đạt 66.000 tỷ đồng, giảm 12%; lợi nhuận sau thuế gần 8.000 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019. Riêng quý IV/2020, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.800 tỷ đồng, giảm 40%.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex (mã chứng khoán: PLX) công bố doanh thu 2020 ước đạt 123.000 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2019; lãi trước thuế 1.268 tỷ đồng, giảm 78%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần CNG Việt Nam (mã chứng khoán: CNG) cho biết, doanh thu năm 2020 đạt 2.214 tỷ đồng, lãi sau thuế 52 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh thu của công ty tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm tới 38% so với năm 2019.
Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) công bố doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 9%.
Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVB) cũng báo cáo tổng doanh thu cho năm 2020 là 688 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75,5 tỷ đồng; lần lượt tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất từ năm 2015 đến nay. Dù vậy, nếu xét 2 quý gần đây là quý 3 và quý 4 năm 2020, doanh nghiệp này đều báo lỗ lần lượt là 6 và 7 tỷ đồng.
Các chuyên gia tới từ VDSC cho rằng, ngành dầu khí đang phải đương đầu với những rủi ro không thể kiểm soát. Triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn tương đối u ám.
Kỳ vọng về nhu cầu dầu khí toàn thế giới vốn đã không khả quan trước thời điểm bùng phát dịch do dư cung và chiến tranh thương mại, lại càng trở nên tiêu cực hơn do tác động của COVID-19.
Nhu cầu đi lại sụt giảm, sức tiêu dùng kém do giảm thu nhập, đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp do giãn cách xã hội là ba trong số nhiều lý do ảnh hưởng lên triển vọng ngành dầu khí toàn cầu.
Sau khi hợp đồng tương lai giá dầu giảm về âm trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội hồi quý 2 năm 2020, giá dầu có phục hồi, tuy nhiên theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế- tài chính thế giới, giá dầu năm 2021 nhiều khả năng dao động quanh mức 40-50 USD/thùng.
Trong khi đó, hoạt động thượng nguồn kém sôi động. Số lượng dự án mới không nhiều do triển vọng nhu cầu thế giới khó dự đoán. Điều này khiến các doanh nghiệp thượng nguồn không đẩy mạnh triển khai các dự án thăm dò và khai thác mới.
Do vậy, giải ngân trong tương lai nhiều khả năng giảm, kéo theo sự sụt giảm giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của các doanh nghiệp xây lắp dầu khí. Thêm vào đó, sản lượng dầu thô và khí khai thác nội địa sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng dài hạn.
Sản lượng khai thác được dự báo giảm trong năm 2021. Dịch COVID-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu thô.
Hãng dịch vụ tài chính Fitch Solutions dự báo sản lượng dầu thô năm 2021 của Việt Nam giảm 4% dựa trên kế hoạch 5 năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động thay vì tăng quy mô khai thác.
Tìm cơ hội
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dù giá cổ phiếu dầu khí đã tăng trở lại mức trước COVID-19, nhưng tính đến cuối năm 2020 giá dầu vẫn ở giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019. SSI nhận định, lợi nhuận của ngành trong năm 2021 sẽ vẫn giảm khoảng 17% so với năm 2019.
Dựa trên kỳ vọng của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC cho rằng, năm 2021 không phải là năm của cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, VDSC cũng nhìn nhận dù cơ hội đầu tư vào cổ phiếu dầu khí không nhiều, nhưng vẫn tồn tại.
VDSC dự báo, trong rổ cổ phiếu ngành dầu khí, không có quá nhiều cái tên gắn liền với cụm từ “tăng trưởng năm 2021,” vì vậy tương đối khó để chọn lọc ra các doanh nghiệp có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm 2021.
Tuy nhiên, cơ hội tích lũy vẫn có thể tới khi thị giá giảm, đặc biệt là những cổ phiếu có tài chính lành mạnh, bao gồm dòng tiền tốt và có chính sách cổ tức tiền mặt ổn định cho cổ đông.
“Nhà đầu tư có thể nắm giữ những cổ phiếu này để đón sóng dầu khí khi giá dầu thế giới hồi phục bất ngờ trong năm,” VDSC khuyến nghị.
Các chuyên gia từ VDSC cũng nhận định, một trong những điểm tích cực hiếm hoi đến từ thị trường khí hóa lỏng (LNG) thế giới. Việc giá LNG thế giới giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt năm 2020 giúp các nhà máy điện và một nhóm các nhà sản xuất công nghiệp hưởng lợi do giá đầu vào giảm.
Theo VDSC, triển vọng LNG cũng chính là trụ cột cung cấp việc làm cho ngành dầu khó nội địa trong khoảng 10 năm tới. Chủ đầu tư các mỏ khí, thầu xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và nhập khẩu khí. Nhà vận hành cảng sẽ là những bên hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dùng khí thiên nhiên trong sản xuất điện và sản xuất công nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Một số khu liên hợp LNG đã được chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2035, sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước từ 17-21 tỷ m3 vào năm 2035 và tiêu thụ khí đốt từ 23-31 tỷ m3, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để bù đắp nhu cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ có kế hoạch tăng tỷ trọng sản xuất điện khí để đa dạng hóa các lựa chọn năng lượng và giảm khí thải. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực VIII sắp tới (được đề xuất vào cuối tháng 1/2021) dự kiến sẽ đặt ra mức tăng trưởng cao cho công suất phát điện khí.
Công suất phát điện từ LNG theo quy hoạch là gần 48.000 MW, kế hoạch này rất lớn nếu so với tổng công suất cả nước hiện nay là 58.000 MW.
Với xu hướng đầu tư LNG, SSI nhận định PV Gas có lợi thế là bên đầu tiên tham gia vào thị trường này, trong khi PVS sẽ được hưởng lợi từ khối lượng công việc tiềm năng với các khu liên hợp LNG mới trong dài hạn, đặc biệt nhờ lợi thế đang là nhà thầu liên danh cho LNG Thị Vải (với Samsung E&C).
PV Gas là công ty đi đầu thị trường với cảng LNG Thị Vải sẽ vận hành vào cuối năm 2022 cung cấp LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Tổng công ty không còn độc quyền trong ngành cung khí nữa khi các công ty trong và ngoài nước như Delta Offshore, Gulf, Sojitz, AES, Petrolimex… sắp tham gia vào thị trường./.