Tìm về dấu ấn dân gian qua tọa đàm về nhạc cụ từ tre và chum sành

Tọa đàm "Đó là ở đâu - Đó là ở đây" sẽ chia sẻ về hành trình của nhóm nghệ sĩ đã chế ra những nhạc cụ mới từ tre và chum sành, kết nối giữa những giá trị dân gian với người trẻ Việt Nam.
Khu trưng bày những chiếc đàn đó đã hỏng hoặc bị chế tạo lỗi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Đó là ở đâu - Đó là ở đây: Đàn Đó và Nguyễn Đức Phương” là buổi tọa đàm nối dài những giá trị nghệ thuật truyền thống sẽ diễn ra vào 16h00 chiều ngày 20/9 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA, Sảnh B1, căn hộ R3) số 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là sự kiện do nhóm nghệ sĩ Đàn Đó và VCCA đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam thông qua Quỹ FAMLAB (Phim–Nhạc–Lưu trữ), Chương trình Di sản Kết nối.

Đây cũng là tên cuộc triển lãm kéo dài một tháng, từ 18/9 đến 18/10, trưng bày những nhạc cụ từ tre, chum sành từ làng gốm Phù Lãng và cả những bức họa về nhóm nghệ sỹ sáng tạo nên những sản phẩm này.

Tại buổi khai mạc triển lãm ngày 18/9, nhóm đã trình diễn một tiết mục nghệ thuật kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và những động tác múa xiếc đầy uyển chuyển, khéo léo. 

Video màn trình diễn tại buổi triển lãm, kết hợp giới thiệu các sản phẩm của nhóm nghệ sĩ:

Nhóm Đàn Đó thành lập năm 2012, ban đầu gồm nhạc sỹ Nguyễn Đức Minh, các diễn viên xiếc Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự. Trong gần ba năm tiếp theo, họ làm việc tại một xưởng tự dựng ở Gia Lâm, Hà Nội, lấy đây trở thành nơi để cùng tìm tòi, nghiên cứu, "nghịch ngợm" và phát triển các nhạc cụ cũng như cách diễn tấu các nhạc cụ từ với tre, chất liệu thường gặp ở Đông Nam Á trong âm nhạc cũng như đời thường.

Các nhạc cụ bao gồm chiếc đàn đó được dùng cho tên nhóm, với âm sắc sáng, trong, hình dáng giống đó đánh cá; trống chum: "chế" từ những chiếc chum gốm, sành, vốn dùng để chứa nước, thành bộ gõ tạo âm thanh trầm, vang hay như chiếc trống lợn: làm từ gốc tre, tiếng cộc, tinh nghịch…

Nhóm nghệ sĩ Đàn Đó trình diễn với những nhạc cụ từ tre, chum gồm do mình tạo ra. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhóm nghệ sĩ của Đàn Đó cũng tiếp tục triển khai các thử nghiệm về chuyển động và hình thể, kết hợp cùng nhạc cụ tự chế, nhạc cụ bản địa, thuộc khuôn khổ nhiều dàn dựng sân khấu đa dạng.

Trong giai đoạn này, họa sỹ Nguyễn Đức Phương trở thành thành viên thứ năm và ghi lại hoạt động của nhóm qua tranh và ký họa. Từ đó, anh tìm ra bước ngoặt của thực hành nghệ thuật cá nhân khi trộn đất làm bột màu, tìm tòi và thử các kỹ thuật về đường nét, sắc độ, bề mặt. Xuyên suốt quá trình sáng tạo này là sự truyền cảm hứng qua lại giữa nhạc và tranh.

Họa sỹ Nguyễn Đức Phương không miêu tả, ghi chép chính xác đời thực, mà sẽ biểu đạt tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm và lạc quan của nhóm Đàn Đó.

Những cảnh hoạt mở ra đầy sinh động về khoảnh khắc nhóm đi tìm tre, chế tác nhạc cụ, biểu diễn, sinh hoạt hàng ngày, khi nghỉ ngơi nhàn rỗi, lúc chơi đùa bếp núc...

Sự động và tĩnh của các thực tể người-đất-cây cối hòa với nhau trên những bức họa của anh. Tất cả tạo nên một cảm giác lạc quan, yêu đời khi được sống trong đam mê, đặc biệt là tìm tòi khai thác những giá trị dân gian./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục