Tỉnh An Giang chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc COVID-19

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước, An Giang cần chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc và các huyện cần chuẩn bị cơ sở thu dung, điều trị tối thiểu 100 giường cho tình huống xấu có thể xảy ra.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tại cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 9/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Phước lưu ý dịch bệnh phức tạp, số ca mắc của tỉnh đã là 500 ca.

An Giang cần chuẩn bị kịch bản cho 3.000 ca mắc và các huyện cần chuẩn bị cơ sở thu dung, điều trị tối thiểu 100 giường cho tình huống xấu có thể xảy ra.

Từ ngày 15/4 đến sáng 9/8, An Giang ghi nhận 534 ca mắc COVID-19; trong đó có 383 trường hợp đang điều trị, 194 trường hợp khỏi bệnh và 2 trường hợp tử vong. Hiện An Giang có 14 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện. Trong đó, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng đến rất nặng với 90 giường; trung tâm y tế tuyến huyện tiếp nhận điều trị bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhẹ đến trung bình với 150 giường.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết trong ngày 9/8, An Giang ghi nhận 50 ca mắc COVID-19; có 33 ca trong các khu cách ly tập trung, trong đó có khoảng 10 ca dương tính sau khi cách ly đủ 21 ngày.

Ông Hiền nhận định các trường hợp này có khả năng lây nhiễm chéo cao hơn trong thời kỳ ủ bệnh. Để giảm các ca mắc trong các khu cách ly, Giám đốc Sở Y tế An Giang đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giám sát các khu cách ly và xem xét cho các F1 nguy cơ thấp được cách ly tại nhà.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang lưu ý mục tiêu của Chỉ thị 16 là giảm ca mắc, giảm ca tử vong, đảm bảo an ninh xã hội. Tuy nhiên qua 21 ngày tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, số ca mắc tăng 2,4 lần, lên 413 ca so với trước khi giãn cách.

[An Giang cần xây dựng các kịch bản khi có số ca bệnh tăng cao]

Các địa phương khi báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày cần phải minh bạch, rõ ràng, bao nhiêu ca mắc khu cách ly, phong tỏa, cộng đồng và bao nhiêu ngày địa phương không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đối với các ổ dịch lớn, ngành y tế và địa phương cần đánh giá, phân tích nguyên nhân nguồn lây, giải pháp phòng, chống dịch bệnh rõ ràng, cụ thể.

Ông Lê Văn Phước yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo. Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương cần linh động trong từng thời điểm. Nếu các cửa ngõ kiểm dịch không ùn tắc giao thông sẽ test nhanh lái xe; nếu ùn tắc giao thông thì chỉ tập trung kiểm tra giấy xét nghiệm, lưu thông tin lái xe để liên lạc khi cần thiết.

Các địa phương đánh giá nguy cơ từng xã, phường, thị trấn, huyện để lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc, phát hiện ca mắc, tập huấn ngay cho lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm nhanh. Về việc cho F1 cách ly tại nhà theo đề xuất của ngành y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu cần phải kiểm tra có đáp ứng đủ điều kiện hay không.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh chỉ còn 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, ngành y tế cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc tập trung ở các vùng nguy cơ cao từng có ca mắc trong cộng đồng, chợ, người thân ở vùng dịch trở về… lấy mẫu xét nghiệm mẫu gộp PCR; nơi ít nguy cơ chỉ lấy lấy mẫu gộp test nhanh.

Các địa phương tăng cường kiểm soát các khu cách ly tập trung để hạn chế số ca lây nhiễm, tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp ra ngoài không cần thiết.

Ông Bình cũng lưu ý đến ngày 15/8, nếu địa phương nào không có ổ dịch sẽ xem xét gỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16, địa phương nào dịch phức tạp thì tiếp tục thực hiện giãn cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục