Lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ đã đồng loạt đưa ra đánh giá cập nhật các thách thức an ninh đối với nước này, đề cập các vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên, Iran, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với những nhận định được cho là trái với quan điểm của Tổng thống Donald Trump.
Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ, gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel, Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) Daniel Coats đã trình bày tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đánh giá thường niên về các mối đe dọa toàn cầu.
Theo đó, bà Haspel cho rằng Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này năm ngoái.
Bà Haspel cho biết thêm Iran đang cân nhắc những biện pháp nhằm giảm sự ràng buộc với JCPOA trong khi tìm cách gây sức ép buộc châu Âu thông qua những khoản đầu tư và lợi ích thương mại mà Tehran mong được hưởng lợi từ thỏa thuận này.
Trong khi đó, Giám đốc FBI Wray cho rằng "Trung Quốc là mối nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất về chính trị, quân sự và kinh tế đối với Mỹ,” đồng thời lưu ý nguy cơ này đang ngày càng gia tăng.
Ông Wray thông báo cơ quan này đang điều tra nghi vấn hoạt động tình báo kinh tế Trung Quốc tại hầu hết trong tổng số 56 văn phòng của FBI trên toàn nước Mỹ.
Theo quan chức này, đây chỉ là một phần trong tiến trình điều tra hoạt động tình báo của Trung Quốc.
Số vụ điều tra có thể tăng gấp đôi trong 3 hoặc 4 năm qua, và dù không phải tất cả, nhưng hầu hết đều có liên quan tới Trung Quốc.
Về vấn đề Triều Tiên, Giám đốc DNI Coats cho rằng nước này sẽ không từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân, bất chấp những động thái trong thời gian gần đây cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện điều đó.
Theo ông Coats, ban lãnh đạo Triều Tiên về cơ bản vẫn coi loại vũ khí này "đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của chính quyền."
Ông Coats cũng đề cập việc nhiều nước đang sử dụng các chiến dịch tấn công mạng để tăng cường khả năng đánh cắp thông tin, gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ hoặc phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Giám đốc DNI lo ngại các vụ tấn công mạng có khả năng gây tổn hại hoặc phá vỡ các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Mỹ.
Về cuộc chiến chống khủng bố, ông Coats cảnh báo tổ chức IS vẫn là mối đe dọa lớn ở Trung Đông khi các thủ lĩnh IS tiếp tục phát động các cuộc tấn công nhằm vào phương Tây.
Ông Coats nêu rõ bất chấp việc bị đánh bật ra khỏi nhiều khu vực, IS vẫn chỉ huy hàng nghìn tay súng tại Iraq và Syria, cũng như duy trì hoạt động của 8 nhánh, hơn 10 mạng lưới và hàng nghìn người ủng hộ khắp nơi trên thế giới.
Giới chức tình báo Mỹ thừa nhận IS đã giảm quy mô hoạt động tại Iraq và Syria, song tổ chức này sẽ lợi dụng việc liên quân quốc tế giảm sức ép để khôi phục lực lượng tấn công và tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trên các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, giới chức tình báo Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 giúp ông Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng, điều mà Moskva luôn bác bỏ, đồng thời dự báo khả năng hành động này tái diễn vào năm 2020.
Hiện, Nhà Trắng chưa bình luận về báo cáo trên, song giới phân tích cho rằng đánh giá này cho thấy sự chia rẽ rõ rệt tồn tại trong Chính phủ Mỹ kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống năm 2017.
Giám đốc phụ trách chương trình Trung Đông tại trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington, ông Aaron David Miller cho rằng từ đánh giá về vấn đề Iran và Triều Tiên nói trên, có thể rút ra kết luận rằng ông Trump đã hoàn toàn sai khi rút Mỹ khỏi JCPOA và hoàn toàn đúng khi đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un./.