Tình hình COVID-19 sáng 12/7: Thế giới có hơn 12,8 triệu ca nhiễm

Tính đến 8 giờ ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.839.566 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.839.566 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 567.574 ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.477.683 người và vẫn còn 58.831 bệnh nhân COVID-19 đang ở tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Số ca nhiễm ở Mỹ đã lên tới 3.355.646 người và 137.403 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.840.812 ca nhiễm và 71.492 ca tử vong.

Với 850.358 ca nhiễm và 22.687 ca tử vong, Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ tám về số ca tử vong. Dứng thứ 4 là Nga với tổng cộng 720.457 ca nhiễm và 11.205 ca tử vong.

Ngày 11/7, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Brazil và các nước Mỹ Latinh khác, vốn có tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao, sẽ là những nước đầu tiên nhận được thuốc Avifavir điều trị bệnh này do Nga điều chế.

[88 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng]

Trong một thông cáo báo chí sau khi thuốc Avifavir được giới thiệu trực tuyến cho đại diện các nước Mỹ Latinh và Caribe, ông Dmitriev cho biết RDIF đã nhận được yêu cầu cung cấp thuốc Avifavir từ hơn 50 quốc gia.

Ông nói: "Ưu tiên của chúng tôi là những quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh. Tất nhiên, đó là Brazil và nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác."

Avifavir, loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên của Nga, đã được Bộ Y tế nước này cấp phép hồi cuối tháng 5. Thuốc đã chứng minh hiệu quả điều trị COVID-19 trong 90% các cuộc thử nghiệm.

Ngày 8/7, RDIF đã yêu cầu Bộ Y tế Nga cho phép sử dụng Avifavir cho các bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Đầu tuần này, Bộ Công thương Nga đã nhận được yêu cầu cung cấp Avifavir từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), các nước Mỹ Latinh, châu Âu và Đông Nam Á.

Cũng tại Nga, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thực hành và Khoa học Can thiệp của Đại học  Sechenov, ông Sergey Semitko cho biết các tình nguyện viên được tiêm loại vắcxin chống COVID-19 do Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamalei của Nga sản xuất đang phản ứng với bệnh một cách tích cực, và tình trạng của họ không gây lo ngại.

Loại vắcxin này đang được thử nghiệm riêng rẽ trên các tình nguyện viên tại Đại học  Sechenov và Bệnh viện quân sự Burdenko.

Ông Semitko nói với các phóng viên: "Nhìn chung, vắcxin được dung nạp tốt và tình trạng (của các tình nguyện viên) không gây ra bất kỳ lo ngại lâm sàng nào".

Theo ông Semitko, kết quả đáng tin cậy của giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng sẽ có vào cuối tháng này.

Tình hình COVID-19 sáng 12/7: Thế giới có hơn 12,8 triệu ca nhiễm ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Mexico City, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng trong ngày 11/7, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đã cao thứ 7 thế giới, với 295.268 trường hợp, trong đó có 34.730 ca tử vong, tăng tương ứng 6.094 ca bệnh và 539 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.

Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell (U-gô Lô-pết Ga-ten) cho biết số ca nhiễm vẫn đang trong xu hướng tăng và nhận định số ca tử vong thực do COVID-19 có thể cao gấp 3 lần so với con số thống kê.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) mới đây đánh giá diễn biến dịch COVID-19 tại Mexico cực kỳ phức tạp, với số ca bệnh và tử vong tiếp tục tăng mạnh, trong khi khủng hoảng do đại dịch tác động ngày càng sâu sắc lên các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Kể từ khi bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1/6 vừa qua, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 ở Mexico đã tăng gấp 3 lần.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 116.356 trường hợp, trong đó có 3.092 ca tử vong.

Trong ngày 11/7, Chủ tịch Thượng viện Bolivia Eva Copa xác nhận đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thông báo trên mạng xã hội Twitter, bà Copa cho biết trong những ngày cảm thấy có những dấu hiệu bất thường và ngay lập tức đã tiến hành xét nghiệm theo yêu cầu của các bác sỹ.

Hiện bà đang được cách ly và tuân thủ các chỉ dẫn y tế, song vẫn tiếp tục làm việc theo hình thức trực tuyến.

Hiện đã có 10 thành viên của Thượng viện Bolivia được xác định mắc COVID-19. Trước đó, Tổng thống lâm thời nước này Jeanine Añez cùng một loạt các quan chức chính phủ như Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Phủ Tổng thống và Bộ trưởng Khoáng sản cũng được xác định nhiễm SARS-CoV-2.

Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Bolivia đã ghi nhận hơn 44.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 1.600 trường hợp tử vong.

Tại châu Á, liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã công bố báo cáo cho biết  tình hình dịch bệnh COVID-19 liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh đã được kiểm soát hiệu quả.

Theo báo cáo trên, các ca lây nhiễm liên quan tới chợ Tân Phát Địa, bùng phát tại các địa điểm khác như tỉnh Hà Bắc, Liêu Ninh và Chiết Giang đều đã được kiểm soát.

Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, có tất cả 29 ổ dịch liên quan tới chợ Tân Phát Địa, trong đó có 10 địa điểm công cộng và 13 ổ dịch lây lan giữa các thành viên trong gia đình.

Báo cáo cho biết các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát mà Bắc Kinh đưa ra chống lại dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy tính hiệu quả, đồng thời nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan giữa những người từng tiếp xúc với khu chợ về cơ bản đã được loại bỏ.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có thêm 11 bệnh nhân đã xuất viện trong ngày 11/7 và hiện chỉ còn 326 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 3 trường hợp nguy kịch.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc đại lục có tổng cộng  83.594 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Tổng số ca chữa khỏi bệnh và bình phục tại Trung Quốc đại lục lên tới 78.634 ca.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục