Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 19 giờ 30 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 3.753.811 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có 259.381 ca tử vong.
Số ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng trở lại
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 6/5 thông báo số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở nước này đã tăng trở lại.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 244 ca tử vong, tăng so với mức dưới 200 ca ghi nhận mỗi ngày trong 3 ngày trước.
Tính đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 220.325 người mắc bệnh, trong đó có 25.817 trường hợp tử vong.
Với việc nhận được sự ủng hộ của các đảng đối lập trong đó có đảng trung hữu Ciudadanos và đảng Dân tộc xứ Basque trong ngày 6/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez có thể hội đủ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua kế hoạch gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần.
Lệnh tình trạng khẩn cấp, sẽ hết hạn vào ngày 9/5, cho phép chính phủ kiểm soát việc đi lại của người dân nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Thủ tướng Sanchez khẳng định việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sẽ là một lỗi lầm không thể tha thứ và nhờ sắc lệnh khẩn cấp, chính phủ đã hỗ trợ hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa.
Cũng trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 78 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong ở nước này lên 6.418. Tính đến nay, số người mắc COVID-19 ở nước này lên đến 101.650.
Anh chuẩn bị vạch ra kế hoạch nới lỏng tình trạng phong tỏa
Theo Reuters, ngày 6/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo với chính phủ của ông rằng sẽ vạch ra những chi tiết của kế hoạch nới lỏng tình trạng phong tỏa nhằm đẩy lùi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 10/5, đồng thời hy vọng một số biện pháp có thể có hiệu lực vào ngày kế tiếp.
[Số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng tại nhiều nước Đông Nam Á]
Phát biểu tại Quốc hội sau khi được lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer hỏi về việc người dân có thể quay trở lại làm việc, ông Johnson nêu rõ: "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ vạch ra những chi tiết của kế hoạch vào ngày 10/5."
"Lý do để làm việc đó vô cùng đơn giản, chúng ta phải chắc chắn rằng số liệu đang hỗ trợ cho khả năng của chúng tôi để làm việc này nhưng số liệu đó sẽ vẫn tiếp tục đưa ra trong những ngày tới. Chúng tôi muốn chúng tôi có thể thực hiện một số biện pháp vào ngày 11/5."
Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ
Mặc dù hơn 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu thống kê, Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Thống đốc bang Maryland Larry Hogan từng dự báo rằng vùng thủ đô sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, chậm hơn khoảng 2 tuần sau New York, hiện đang là tâm dịch của nước Mỹ.
[Mỹ chiếm 1/3 số ca mắc COVID-19 trên thế giới]
Mặc dù các biện pháp đóng cửa toàn bộ trường học và những doanh nghiệp không thiết yếu cùng lệnh phong tỏa được áp đặt từ cuối tháng 3, nhưng số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tiếp tục gia tăng tại khu vực này.
Người đứng đầu dịch vụ y tế công tại hạt Montgomery thuộc bang Maryland giáp với Washington, ông Travis Gayles cho biết: "Chúng tôi đang nằm trong một khu vực có mật độ dân số rất đông. Trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì một số lượng lớn công nhân cần thiết để làm việc và đây là những đối tượng dễ bị lây nhiễm."
Rất nhiều trong số những công nhân ở đây là cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha hoặc gốc Phi, và tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong trong nhóm đối tượng này cao hơn hẳn so với những người da trắng.
Theo ông Gayles, hạt Montgomery, nằm ở phía Bắc của thủ đô Washington, hiện có khoảng 1 triệu người sinh sống.
Tính đến ngày 5/5, hạt này đã ghi nhận 5.541 ca nhiễm COVID-19, trong đó 292 ca tử vong. Tính cả bang Maryland, đã có tới 26.400 ca nhiễm và hơn 1.300 ca tử vong.
3 quốc gia vùng Baltic tuyên bố mở cửa lại biên giới
Cùng ngày, lãnh đạo các nước Latvia, Litva và Estonia tuyên bố sẽ mở cửa biên giới cho công dân các nước này đi lại. Đây là khu vực đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) mở cửa biên giới để người dân có thể đi lại.
Phát biểu trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Litva Saulius Skvernlis nhấn mạnh lãnh đạo 3 nước đều nhất trí cho rằng các nước vùng Baltic đã khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đều tin tưởng vào hệ thống y tế của nhau.
Do đó, từ ngày 15/5 tới, 3 nước trên sẽ dở bỏ mọi hạn chế đi lại đối với công dân. Tuy nhiên, những người từ các nước khác đến 3 nước vùng Baltic sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.
Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo cần có sự phối hợp trong việc dỡ bở việc kiểm soát biên giới nội địa giữa tất cả quốc gia thành viên.
Hiện Latvia, Litva và Estonia - 3 đối tác thương mại chính của nhau, cũng đang tiến hành các bước đi thận trọng nhằm mở cửa lại nền kinh tế sau các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.
3 quốc gia vùng Baltic đã trở thành thành viên của EU từ năm 2004 và thuộc khu vực tự do đi lại Schengen kể từ năm 2007.
Estonia và Litva đã đóng cửa biên giới đối với những người không phải công dân nước mình trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Bên cạnh đó, cả 3 nước đều yêu cầu những người nhập cảnh không vì lý do công việc phải cách ly bắt buộc.
Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, Litva ghi nhận 48 người tử vong, trong khi số ca tử vong tại Latvia và Estonia lần lượt là 17 ca và 55 ca.
Số ca COVID-19 mới tại 3 nước trên đã giảm dần trong thời gian gần đây. Trong ngày 5/5, không nước nào trong vùng Baltic ghi nhận quá 5 ca mắc mới.
Séc: Tỷ lệ miễn dịch với virus SARS-CoV-2 rất chậm
Trong khi đó, sau khi xét nghiệm tìm kháng thể trên diện rộng, bắt đầu từ tháng trước, ngày 6/5, Bộ Y tế Séc cho biết tỷ lệ miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 tại nước này rất chậm, chiếm chưa đầy 4-5% dân số. Những người mắc bệnh song không biểu hiện triệu chứng tại Séc chiếm khoảng từ 27-38%.
Hiện Séc đang mở lại đất nước theo tùng giai đoạn và Bộ Y tế Séc khẳng định kết quả trên sẽ không tác động đến kế hoạch của nước này.
Tính đến nay, Séc ghi nhận 7.899 ca mắc COVID-19, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng trong châu lục. Hơn 50% số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và 258 người đã tử vong.