Theo thống kế của trang worldometers, tính đến 6 giờ sáng 20/5, thế giới đã có tổng cộng gần 5 triệu người mắc COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Cụ thể, đã có 4.980.766 ca nhiễm trên toàn thế giới, trong đó có 324.446 ca tử vong.
Italy ghi nhận 813 ca nhiễm mới
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 19/5, Italy ghi nhận thêm 813 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 226.699 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên 32.169 trường hợp (tăng 162 ca trong 24 giờ qua).
Ngoài ra, có 2.075 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 129.401 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 716 ca (giảm 33 ca).
Hơn 28.400 ca tử vong tại Pháp
Tính đến tối 19/5, số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp là 28.456 người (tăng 217 ca trong 24 giờ), bao gồm 17.714 ca trong bệnh viện và 10.742 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Áp lực lên các bệnh viện tiếp tục đà giảm từ hơn một tháng qua, với 18.468 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 547 ca so với hôm trước), trong đó 1.894 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 104 ca).
Bên cạnh đó, 143.427 người nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm, 62.500 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện Pháp về truy dấu COVID-19 trong quá trình dỡ bỏ cấm vận, thông qua ứng dụng Stopcovid trên điện thoại thông minh, sẽ diễn ra vào chiều 27/5.
Dưới áp lực của phe đối lập, Chính phủ đã buộc phải chấp nhận cuộc bỏ phiếu về chủ đề nhạy cảm này trong cuộc chiến chống COVID-19.
[Việt Nam bước sang ngày thứ 34 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng]
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran ngày 19/5 thông báo rằng các nhân viên y tế sẽ được xét nghiệm huyết thanh kể từ tuần tới, nhằm tìm hiểu xem họ có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
Phát biểu trước Hạ viện, Bộ trưởng Véran cho biết các xét nghiệm này sẽ cho phép nhận biết tình trạng miễn dịch của nhân viên y tế trong bệnh viện, phòng khám gia đình, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Tây Ban Nha dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chuyến bay đến từ Italy
Theo tờ Corriere Della Sera của Italy ngày 19/5, Chính phủ Tây Ban Nha đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ, được ban hành từ 2 tháng trước, đối với các chuyến bay và phương tiện chở khách đường biển, trừ các du thuyền, từ Italy tới nước này.
Quyết định trên Bộ Giao thông vận tải Tây Ban Nha đưa ra ngày 19/5. Tuy nhiên, sắc lệnh yêu cầu cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày do Madrid ban hành hồi tuần trước vẫn có hiệu lực đối với tất cả những người nước ngoài đến Tây Ban Nha, bao gồm cả hành khách Italy.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục lệnh cấm cập cảng nước này đối với tất cả các du thuyền trên biển.
Số ca nhiễm tại Ai Cập tiếp tục tăng kỷ lục
Bộ Y tế Ai Cập ngày 19/5 thông báo phát hiện thêm 720 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 13.484 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 659 người, sau khi có thêm 14 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 302 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 3.742 người.
Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ra sắc lệnh quy định người dân nước này phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cơ quan nhà nước kể từ ngày 30/5 tới.
Những người vi phạm quy định này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 4.000 bảng Ai Cập (khoảng 255 USD).
Bên cạnh đó, Ai Cập sẽ tiếp tục đình chỉ các chuyến bay quốc tế cho đến khi có thông báo tiếp theo. Sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr từ ngày 24-29/5 tới, quốc gia Bắc Phi này sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian giới nghiêm ban đêm, bắt đầu từ 20h tối hôm trước cho tới 6h sáng hôm sau, kéo dài trong 2 tuần.
Mỹ: WHO cần phải cải thiện mình
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 tuyên bố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần phải cải thiện cách mà WHO đối xử với Mỹ và các quốc gia khác, nếu không Washington sẽ rút khỏi cơ quan toàn cầu này.
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Họ cần phải cải thiện hành động của mình. Họ cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Họ phải công bằng hơn nữa với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, hoặc chúng tôi sẽ không còn liên quan tới họ."
Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông công bố bức thư gửi tới WHO hôm 18/5, trong đó nói rằng WHO phải cải thiện trong vòng 30 ngày, hoặc ông sẽ phong tỏa hoàn toàn quỹ tài trợ của Mỹ cho cơ quan này.
Brazil ghi nhận thêm hơn 1.000 người tử vong
Ngày 19/5, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận 1.179 trường hợp tử vong do dịch COVID-19 trong vòng 24 giờ qua.
Đây là số lượng người tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất tại Brazil, và cũng là lần đầu tiên số lượng người tử vong trong vòng một ngày cao hơn 1.000 người, nâng tổng số trường hợp tử vong vì dịch bệnh này tại đây lên thành 17.971 người.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil cũng cho biết số lượng người nhiễm mới là 17.408 người, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 271.628 ca./.