Tình hình dịch bệnh COVID-19: Thế giới có gần 221 triệu ca mắc

Biến thể Delta vẫn đang khiến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại Đông Nam Á, diễn biến phức tạp.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố Quezon, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố Quezon, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/9 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 220.845.027 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.571.633 ca tử vong. Số người đã bình phục là hơn 197 triệu người. 

Biến thể Delta vẫn đang khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại Đông Nam Á, diễn biến phức tạp. 

Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 20.741 ca mắc COVID-19 và 189 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 2.061.084 và 34.062.

Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Hôm 30/8, Philippines ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày ở mức 22.366 ca.

Trong khi đó, Thái Lan cũng có thêm 15.942 ca mắc mới và 257 ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1.265.082 và 12.631 ca.

Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất trên cả nước trong 24 giờ qua, với 3.835 ca. Trước tình hình trên, Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine ở thủ đô Bangkok.

Tính đến nay, hơn 92% số người dân ở thủ đô Bangkok đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện biến thể Delta đã được phát hiện tại hầu hết các tỉnh ở Thái Lan, chiếm khoảng 92,9% số ca nhiễm mới trên toàn quốc.

Cùng ngày, Lào thông báo có thêm 156 ca mắc mới COVID - 19, trong đó có 64 ca cộng đồng và 1 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu ở Lào được báo cáo mắc COVID-19 nhưng đều không có triệu chứng nặng vì đã được tiêm đủ vaccine. Đến nay đã có 126 nhân viên y tế nước này mắc bệnh.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân có tiếp xúc gần với ca bệnh trong cộng đồng cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế được chỉ định để lấy mẫu xét nghiệm và có ý thức tự cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác, đồng thời kêu gọi những người đã tiêm vaccine tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID - 19 tại Lào là 15.761 ca, trong đó có 16 người tử vong.

[Dịch COVID-19: Biến thể Delta không gây bệnh nặng ở trẻ em]

Tại Campuchia, đã có thêm 13 người tử vong và 422 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 138 ca nhập cảnh và 284 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có 94.839 ca mắc COVID-19, trong đó 90.273 người khỏi bệnh và 1.950 người tử vong.

Để đảm bảo cho việc mở cửa lại trường học, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo cho Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Phnom Penh về việc tổ chức tiêm phòng COVID-19 mũi thứ ba cho hơn 10.000 người làm việc trong ngành giáo dục thành phố.

Tình hình dịch bệnh COVID-19: Thế giới có gần 221 triệu ca mắc ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đang rất nỗ lực để tiêm phòng COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân. Cộng cả số vaccine vừa nhận sáng 4/9, hiện Campuchia có gần 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ ngày 10/2/2021 đến ngày 3/9/2021, 9.425.278 người trưởng thành (tính từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 8.269.950 người đã hoàn thành hai mũi tiêm và mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành đã gần tới đích.

Cùng ngày, số ca tử vong tại Iran đã vượt mốc 110.000, sau khi ghi nhận thêm 515 ca tử vong mới. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 20.404 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 5.103.537.

Giới chức Iran cho biết nước này đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta.

Số ca mắc mới tại Mông Cổ cũng vượt mốc 3.000 ngày thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, với 3.696 ca mắc mới, tổng số ca mắc tại nước này là 228.685.

Hiện đã có 957 người không qua khỏi. Nhà chức trách Mông Cổ dự đoán làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 9 này. 

Australia cũng ghi nhận 1.756 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận mốc cao kỷ lục. Trong số này, có 1.533 ca ở bang New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất với thủ phủ là thành phố Sydney. Trong khi đó, bang đông dân thứ hai Victoria đã ghi nhận 199 ca nhiễm.

Australia hiện đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hiện mới có 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm phòng.

Với tốc độ hiện nay, dự kiến Australia có thể đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm phòng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Trong bối cảnh trên, Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia (TGA) đã phê chuẩn việc tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi.

Trong khi đó, nhật báo New York Times đưa tin các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết họ chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo tiêm mũi tăng cường ở mức độ rộng rãi hơn vào cuối tháng 9 như Tổng thống nước này Joe Biden đã đề cập trước đó.

Báo trên dẫn một nguồn thạo tin cho biết các quan chức trên đã đề nghị Nhà Trắng thu hẹp quy mô của kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân Mỹ vào cuối tháng 9, cho rằng cần có thêm thời gian để thu thập và đánh giá lại toàn bộ dữ liệu cần thiết.

Theo Tiến sỹ Janet Woodcock - quyền Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Tiến sỹ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, hai cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 9 chỉ với những người đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục