Theo worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 26/9 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận hơn 32 triệu bệnh nhân COVID-19 (tăng 314.000 người trong 24 giờ qua), trong đó 992.000 người đã tử vong.
Mỹ, Ấn Độ và Brazi là ba nước lần lượt có số bệnh nhân cao nhất thế giới.
Tình hình dịch bệnh các khu vực trên thế giới
Tại châu Á, số bệnh nhân COVID-19 đã vượt ngưỡng 10 triệu người, cụ thể là 10.056.105 bệnh nhân, trong đó số ca tử vong là hơn 186.000 ca. Trong 24 giờ qua, toàn châu lục ghi nhận thêm 120.155 ca nhiễm mới.
Ấn Độ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực với hơn 85.000 ca nhiễm mới, lên mức 5,9 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 93.000 người đã tử vong.
Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Indonesia là 4.823 ca - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại Trung Đông, Iraq và Israel cũng ghi nhận các mức tăng số ca nhiễm mới lần lượt là 4.500 và 5.700 ca, cao nhất khu vực.
Châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh của thế giới khi chứng kiến tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới cao ở nhiều nước. Số bệnh nhân tại châu lục này hiện là 4,75 triệu người, tăng hơn 60.000 người trong 24 giờ qua, và có 218.000 người đã tử vong (tăng thêm 668 trường hợp).
Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 1,13 triệu bệnh nhân (tăng thêm 7.200 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha - 735.00 ca, Pháp tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất với 15.700 ca - là mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, lên tổng số 513.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 31.660 người đã tử vong.
Sau Pháp, Anh và Ukraine là hai nước ở châu Âu có mức tăng khá cao - lần lượt là 6.800 và 3.500 người trong ngày qua.
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 8,6 triệu người, trong đó Mỹ đứng đầu với 7,2 triệu người (tăng 50.900 ca). Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 715.000 bệnh nhân (tăng thêm 5.400 ca) và 150.000 ca (tăng thêm 1.300 ca).
Trong khi đó, tổng số bệnh nhân tại khu vực Nam Mỹ là hơn 7,8 triệu người (tăng 63.000 người) và 246.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới 4,6 triệu bệnh nhân (tăng 32.000 người).
Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ hai khu vực - 12.900 ca lên 691.000 bệnh nhân. Sau Brazill, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ, hơn 790.000 bệnh nhân.
[Nga: Chính quyền Moskva yêu cầu người cao tuổi ở trong nhà phòng dịch]
Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân là 1,45 triệu người, tăng 7.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua. Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 668.000 bệnh nhân (tăng 1.480 người), trong đó có 16.312 người đã tử vong.
Ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch khi trong hai tháng qua, tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại châu lục này đã giảm đáng kể.
Tính riêng trong giai đoạn bốn tuần vừa qua, "Lục địa Đen" chỉ ghi nhận 77.147 ca mắc COVID-19, thấp hơn nhiều so với 131.647 ca trong cùng quãng thời gian trước đó.
Biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều nước tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch. Tại châu Âu, Đan Mạch đã quyết định kéo dài các quy định hạn chế hiện nay tới ngày 18/10. Quy định hạn chế các hoạt động tụ họp nơi công cộng ở mức dưới 50 người hiện nay cũng sẽ được áp dụng đối với những sự kiện được tổ chức một cách cá nhân kể từ ngày 26/9.
Tương tự, Chính phủ Séc tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ tuần tới.
Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula cho biết, biện pháp được áp dụng gồm giới hạn số lượng người ngồi không quá 2.000 cho các sự kiện ngoài trời và 1.000 người đối với các địa điểm trong nhà. Sự kiện độc lập chỉ giới hạn cho 50 và 10 người tương ứng.
Các quán bar và quán rượu phải đóng cửa trước 22 giờ, một số trường đại học sẽ chuyển sang học trực tuyến và việc đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng.
Ở Nam Mỹ, Chính phủ Brazil thông báo quyết định gia hạn thêm 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài. Lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển.
Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ loại trừ một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm người nhập cư có hộ khẩu thường trú trong nước; chuyên gia đang thực thi nhiệm vụ của một tổ chức quốc tế; hành khách quá cảnh mà không rời khỏi khu vực cách ly của sân bay; và người nước ngoài có vợ, chồng, hoặc con là người mang quốc tịch Brazil.
Cũng lần đầu tiên trong lịch sử 108 năm tồn tại, lễ hội Carnival Rio de Janeiro nổi tiếng thế giới của Brazil sẽ buộc phải hủy trong năm 2021 do những lo ngại về sự bùng phát và lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại sự kiện văn hóa luôn thu hút sự tham gia của hàng triệu lượt người này.
Trong khi đó, tại châu Á, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết Hong Kong về cơ bản đã ngăn chặn được làn sóng dịch COVID-19) lần thứ ba.
Trong thời gian này, chính quyền Hong Kong một mặt nới rộng các biện pháp giãn cách xã hội theo giai đoạn, để các hoạt động kinh tế và cuộc sống bình thường của người dân dần dần được khôi phục, giảm bớt sức ép cho doanh nghiệp và sự mệt mỏi chống dịch của người dân; mặt khác, kiểm tra toàn diện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phải nâng cao khả năng chống dịch ở nhiều phương diện nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới.
Chính quyền Hong Kong đang chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới có thể xuất hiện như điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuyên biên giới theo mức độ rủi ro, tăng cường toàn diện giám sát dịch bệnh và xét nghiệm virus SARS-CoV-2, truy vết người tiếp xúc chặt chẽ, tăng thêm các cơ sở kiểm dịch và cách ly, duy trì giãn cách xã hội, mua và tiêm phòng vắcxin.
Myanmar tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar ngày 25/9 đã quyết định kéo dài lệnh đình chỉ hoạt động dịch vụ hàng không quốc tế đến cuối tháng 10.
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 từ các trường hợp nhập cảnh qua đường hàng không, Chính phủ Myanmar đã đình chỉ hoạt động của các chuyến bay quốc tế kể từ ngày 30/3, sau khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này hôm 23/3./.