Giới chuyên gia Singapore cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai khi các hoạt động của nền kinh tế được nối lại.
Các chuyên gia cho rằng trong những tuần tới, Singapore có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm mới trong cộng đồng gia tăng do việc tụ tập đông người, không bảo đảm giãn cách xã hội trong giai đoạn bầu cử vừa qua cũng như việc mở lại các rạp chiếu phim và các địa điểm du lịch.
Tiến sỹ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mount Elizabeth cho rằng số ca lây nhiễm nhiều khả năng sẽ gia tăng trong những tuần tới.
Ông khuyến cáo người dân Singapore tiếp tục cẩn trọng, tránh những nơi đông người và luôn duy trì khoảng cách an toàn trong giao tiếp.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Alex Cook tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, số ca nhiễm sẽ gia tăng nếu không áp đặt các quy định bắt buộc đeo khẩu trang và truy dấu nguồn lây nhiễm.
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore đã giảm xuống mức một chữ số khi kết thúc giai đoạn “ngắt mạch” đầu tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng dần trở lại sau đó.
Trong tuần qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên mức bình quân 16 ca/ngày, so với mức bình quân 10 ca/ngày của tuần trước.
Tính tới hết ngày 14/7, Singapore ghi nhận 46.630 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Singapore cho biết tới nay đã xét nghiệm gần 80% số lao động nước ngoài tại các khu nhà ở tập thể, tương đương 215.000 người.
[Tình hình bệnh COVID-19 sáng 15/7: Hơn 13,4 triệu người nhiễm]
Tại Philippines, Bộ trưởng Công trình công cộng và Đường cao tốc Mark Villar đã trở thành quan chức thứ 3 trong nội các nước này bị mắc COVID-19.
Trước đó, hồi tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Philippines Leonor Briones và Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện cả hai quan chức này đều đã bình phục.
Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Tính đến nay, nước này ghi nhận 57.545 ca mắc COVID-19 và 1.603 ca tử vong.
Tại Thái Lan, ngày 14/7, Chính phủ nước này thông báo quy định cho phép người nước ngoài nộp đơn xin gia hạn giấy phép lao động qua hình thức trực tuyến nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo thông báo của Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động Thái Lan, từ ngày 13/7, lao động nước ngoài đến từ Myanmar, Campuchia và Lào có giấy phép lao động hết hiệu lực từ ngày 31/3 vừa qua có thể làm thủ tục xin gia hạn bằng hình thức trực tuyến.
Sau khi nộp đơn trực tuyến, người lao động có thể đến bất kỳ cơ quan hành chính địa phương nào để nhận thẻ căn cước dành cho những người không phải là công dân Thái Lan kèm giấy phép lao động.
Cục Việc làm sẽ thông báo ngày giờ cụ thể để người lao động đến nhận thẻ căn cước để tránh tình trạng tập trung đông người. Tuy nhiên, đối với hồ sơ xin thị thực, người lao động nước ngoài vẫn cần trình giấy khám sức khỏe do các bệnh viện ở Thái Lan cấp.
Trong 50 ngày qua, Thái Lan đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng. Những ca nhiễm mới thời gian qua đều được ghi nhận trong số công dân hồi hương từ nước ngoài.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Trước tình hình dịch có dấu hiệu thuyên giảm, ngày 14/7, ban tổ chức Triển lãm ôtô quốc tế Bangkok đã quyết định mở lại sự kiện này sau 2 lần phải hoãn kể từ tháng Ba vừa qua. Như vậy, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức một triển lãm ôtô quy mô lớn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đó, các triển lãm ôtô quốc tế ở Detroit, Mỹ và Geneva (Thụy Sĩ) đã bị hủy do tác động của đại dịch COVID-19.
Triển lãm ôtô quốc tế Bangkok lần thứ 41 kéo dài từ ngày 15/7 đến hết ngày 26/7. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ban tổ chức cam kết sẽ giới hạn số người tham gia./.