Ngày 25/6, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 mới, trong khi Mỹ đang tìm cách nối lại hoạt động đi lại xuyên Đại Tây Dương.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 25/6 thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận 19 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 24/6, gồm 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh.
Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm cộng đồng, 13 ca được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh và 1 ca ở tỉnh lân cận Hà Bắc. Trong 5 ca nhập cảnh có 3 ca ở tỉnh Cam Tú, 1 ca ở tỉnh Quảng Đông và 21 ca ở tỉnh Thiểm Tây. Trong ngày 24/6 không có ca tử vong nào do COVID-19 ở Trung Quốc đại lục.
Như vậy, tính đến hết ngày 24/6, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.449 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. Số bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện là 78.433 người.
Số ca nhiễm mới trong ngày tại Hàn Quốc dưới 30
Hàn Quốc ngày 25/6 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 30 ca, song nước này vẫn đề phòng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong bối cảnh số ca nhiễm từ nước ngoài và tại các ổ dịch trong nước tiếp tục gia tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.563 người.
[Gia tăng sự hoài nghi về khả năng thế giới sẽ sớm trở lại bình thường]
Trong số các ca nhiễm mới, 18 ca được ghi nhận ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận, 4 ca ở thành phố Daejeon, cách Seoul khoảng 160 km về phía Nam. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này do COVID-19 lên 282 ca. 10.974 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện
Trước đó, Hàn Quốc ghi nhận 51 ca nhiễm mới ngày 24/6 và 46 ca ngày 23/6.
Theo KCDC, vùng đô thị Seoul đang hứng chịu một đợt dịch thứ 2, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần nỗ lực cho một cuộc chiến lâu dài chống COVID-19.
Giới chức y tế cảnh báo có thể xem xét mở rộng trên phạm vi cả nước các biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn hiện đang được áp dụng tại vùng đô thị Seoul.
Các bang Đông Bắc Mỹ yêu cầu cách ly người từ vùng khác trong 14 ngày
Ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đang làm việc với các nước châu Âu và nhiều khu vực khác về cách thức mở cửa đi lại an toàn sau thời gian phong tỏa để ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu họp báo, ông Pompeo nêu rõ Mỹ đang nỗ lực tìm ra cách thức và thời điểm thích hợp để nối lại hoạt động đi lại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Ông tin tưởng trong những tuần tới, nước này sẽ tìm ra giải pháp, không chỉ với EU mà còn với những nơi khác trên thế giới.
Ngoại trưởng Pompeo đưa ra phát biểu trên sau khi xuất hiện nhiều thông tin về việc các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến người Mỹ không được vào châu Âu do tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại cường quốc số một thế giới vẫn ở mức cao.
Theo các nhà ngoại giao và một tài liệu mà hãng Reuters có được, EU dự kiến mở cửa lại biên giới với các quốc gia ngoài khối từ tháng Bảy, căn cứ theo kết quả đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại các nước được thực hiện định kỳ 2 tuần/lần.
Dự thảo đề xuất của Croatia - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, khuyến nghị cho phép nhập cảnh đối với công dân các nước ngoài EU có số ca mắc COVID-19 giảm hoặc không tăng.
Công dân các nước có tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn hoặc tương đương châu Âu cũng được phép nhập cảnh. Tiêu chuẩn đánh giá là trong vòng 14 ngày chỉ có 16-20 ca mắc COVID-19 mới trong 100.000 người.
Ngoài ra, EU cũng xem xét các số liệu về xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, điều trị, tính xác thực của thông tin...
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, các quốc gia như Mỹ, Mexico, Nam Phi, Nga, Iran, Saudi Arabia, Afghanistan và phần lớn khu vực Nam Mỹ có thể sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn của EU.
Hiện Mỹ tiếp tục là quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến 7h30 sáng 25/6 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở Mỹ trong 24 giờ cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, với hơn 35.900 ca, nâng tổng số ca mắc lên gần 2,4 triệu ca.
Trong hai tuần qua, gần 50% trong số 50 bang của Mỹ chứng kiến số ca mắc trong ngày tăng cao trở lại, trong đó một số bang như Texas và Florida ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.
Cũng trong 24 giờ qua, Mỹ xác nhận thêm 756 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 121.932 người.
Theo số liệu của Đại học Washington, từ nay đến ngày 1/10 tới, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới gần 180.000 người. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống còn 146.000 ca nếu 95% số người dân Mỹ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Báo cáo trên được công bố chỉ vài giờ sau khi thống đốc 3 bang Đông Bắc của Mỹ gồm New York, New Jersey và Connecticut ra chỉ thị yêu cầu người dân đến từ 9 bang khác phải cách ly trong 14 ngày.
Các bang này bao gồm Alabama, Arkansas, Arizona, Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina, Texas, Washington và Utah.
Ngoài ra, người dân ở các bang New York, New Jersey và Connecticut trở về từ 9 bang này cũng phải tuân thủ quy định tương tự.
Phát biểu họp báo chung, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho biết chỉ thị mới là quyết định đúng đắn nhất cần làm lúc này, khi mà Mỹ ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu tháng Ba vừa qua.
Chỉ thị có hiệu lực từ 0h ngày 25/6, những trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử phạt 1.000 USD cho lần đầu vi phạm và 5.000 USD nếu tái phạm.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến chiều 24/6, các bang New York, New Jersey và Connecticut ghi nhận hơn 604.000 trường hợp mắc COVID-19 và 48.000 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, tại bang California ở miền Tây nước Mỹ, trong 24 giờ qua phát hiện thêm 7.149 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 190.222 người.
Số ca tử vong đang là 5.632 ca, tăng 52 ca. Số trường hợp nhập viện do COVID-19 cũng đã tăng 29% trong 2 tuần qua, trong khi số trường hợp phải điều trị tích cực tăng 30%./.