Một số nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai kế hoạch phân phối và tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên diện rộng trong tình hình các ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Moderna đánh giá hiệu quả của vắcxin trước các biến thể mới
Vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna Inc. có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện gần đây ở Anh.
Trong một tuyên bố ngày 23/12, công ty công nghệ sinh học của Mỹ có trụ sở tại bang Massachusetts này cho biết: "Chúng tôi sẽ thực hiện các thử nghiệm bổ sung đối với loại vắcxin này trong những tuần tới để thẩm định khả năng trên."
Theo Moderna, công ty này đã tiến hành thử nghiệm huyết thanh với một số người tình nguyện và các động vật thí nghiệm đã được tiêm vắcxin ngừa một số biến thể trước đó của COVID-19 - vốn đã xuất hiện kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch này. Kết quả cho thấy vắcxin "phát huy hiệu quả như nhau".
Loại vắcxin 2 liều của Moderna đã được đưa vào sử dụng thực tế tại Mỹ từ ngày 21/12. Giống như vắcxin do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer Inc. của Mỹ và đối tác BioNTech SE (Đức), các vắcxin do Moderna bào chế cũng dựa trên công nghệ mới mRNA.
Nếu như các loại vắcxin phát triển theo phương pháp truyền thống sẽ đưa một virus yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể người để kích hoạt phản ứng miễn dịch, thì công nghệ mRNA sẽ giúp các tế bào tạo ra một "protein gai nhọn" không gây hại cho cơ thể người, tương tự như loại protein được tìm thấy trong chủng virus SARS-CoV-2.
Sau đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể người phát hiện ra protein này và bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong tương lai.
Thông tin về hiệu quả của vắcxin CoronaVac
Cũng liên quan công tác phát triển vắcxin, các nhà nghiên cứu Brazil cho biết theo các dữ liệu sơ bộ, loại vắcxin ngừa COVID-19 do công ty dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển và sản xuất có hiệu quả trên 50%. Mặc dù vậy, kết luận cuối cùng của quá trình thử nghiệm sẽ được công bố chính thức sau 15 ngày nữa.
[Argentina cử máy bay tới Nga tiếp nhận lô vắcxin Sputnik V đầu tiên]
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Brazil là nước đầu tiên hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Viện Butantan của bang Sao Paulo và công ty Sinovac Biotech
Giám đốc Viện Butantan Dimas Covas khẳng định loại vắcxin này đã đạt được mức hiệu quả và an toàn cần thiết, qua đó cho phép thực hiện bước tiếp theo là đệ trình hồ sơ lên các cơ quan quản lý để xin phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến, bang Sao Paulo có thể sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.
Canada cấp phép sử dụng vắcxin của Moderna
Ngày 23/12, Bộ Y tế Canada thông báo nước này đã phê chuẩn việc sử dụng vắcxin phòng bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ phát triển. Như vậy, Canada đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới "bật đèn xanh" cho vắcxin của Moderna, sau Mỹ.
Quyết định trên được Chính phủ Canada đưa ra hai tuần sau khi nước này cấp phép sử dụng vắcxin do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác phát triển.
Thông báo của Chính phủ Canada nêu rõ: "Bộ Y tế Canada đã xác định rằng vắcxin Moderna đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về độ an toàn, hiệu quả và chất lượng mà bộ đề ra. Những yêu cầu về công tác bảo quản và xử lý đối với vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna cũng cho thấy loại vắcxin này có thể được phân phối tới các cộng đồng sống ở khu vực xa xôi, hẻo lánh."
Vắcxin Moderna yêu cầu đảm bảo nhiệt độ bảo quản ở mức -20 độ C, theo đó công tác phân phối vắcxin này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với vắcxin của Pfizer/BioNTech (cần bảo quản ở -70 độ C).
Canada đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin Moderna, trong đó Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố Ottawa sẽ tiếp nhận 168.000 liều vắcxin trước cuối tháng này. Công tác phân phối có thể được triển khai trong vòng 48 giờ sau khi loại vắcxin của Moderna được phê chuẩn.
Các nước Mỹ Latinh lên kế hoạch tiêm chủng toàn quốc
Trong khi đó, Costa Rica cũng dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng ngừa ngừa COVID-19 trong ngày 24/12 - một ngày sau khi nhận được lô vắcxin đầu tiên.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Carlos Alvarado nêu rõ: "Tối nay chúng ta sẽ nhận những liều vắcxin đầu tiên. Ngày mai người dân Costa Rica sẽ được tiêm phòng mũi đầu tiên. Đó là một thông tin tích cực cho đất nước của chúng ta vì đây có thể là điểm khởi đầu cho sự chấm dứt đại dịch này."
Lô vắcxin đầu tiên được chuyển tới Costa Rica là 9.750 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm phòng. Tính đến hết ngày 23/12, Costa Rica ghi nhận hơn 160.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.065 trường hợp tử vong.
Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân vào đêm Giáng sinh 24/12, với 3.000 liều vắcxin trong lô vắcxin đầu tiên mà nước này nhận được từ hãng Pfizer. Chile dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tuần sau, trong khi Argentina đang chờ nhận được vắcxin Sputnik V của Nga.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 23/12, Thủ tướng Trudeau tuyên bố Canada sẽ kéo dài lệnh cấm các chuyến bay từ Anh tới ngày 6/1/2021 do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan.
Australia lên kế hoạch phân phối vắcxin từ tháng 3/2021
Chính phủ Australia vừa hoàn tất ký kết hợp đồng với các công ty phân phối, hậu cần và công ty theo dõi tiến độ phân phối vắcxin ngừa bệnh COVID-19 tại nước này kể từ tháng 3/2021, trong đó nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công ty chuyển phát nhanh DHL và chuỗi cung ứng hậu cần Linfox sẽ chịu trách nhiệm phân phối vắcxin, đồng thời làm việc với Bộ Y tế Australia để thiết kế và vận hành mạng lưới phân phối quốc gia, bao gồm cả việc đảm bảo để vắcxin có thể đến được với những người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Các công ty này cũng được yêu cầu phải theo dõi và báo cáo nhiệt độ bảo quản của vắcxin vào mọi thời điểm. Tiêu chuẩn nhiệt độ bảo quản phải đảm bảo trong khoảng từ 2-8 độ C đối với loại vắcxin có tiêu chuẩn chuỗi lạnh và dưới -70 độ C đối với vắcxin của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech trong suốt quá trình vận chuyển và phân phối.
Dự kiến, vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech sẽ là loại vắcxin được triển khai đầu tiên tại Australia, do đã trải qua đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và cho kết quả rất khả quan.
Canberra khẳng định sau khi được các cơ quan quản lý thuốc, Cục Quản lý Sản phẩm Điều trị (TGA) Australia chấp thuận, nước này có thể bắt đầu tiến trình phân phối 10 triệu đơn vị vắcxin đầu tiên từ tháng 3/2021.
Trước đó, Chính phủ Australia đã cam kết đảm bảo hơn 117 triệu liều vắcxin khác nhau, phân phối rộng rãi trên cả nước, trong đó mỗi người dân sẽ phải tiêm đủ 2 liều để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Công ty kiểm toán tài chính PwC sẽ là đối tác chương trình phân phối triển khai vắcxin của Bộ Y tế Australia, trong khi công ty dịch vụ chuyên nghiệp Accenture sẽ thiết kế và triển khai phần mềm cần thiết để theo dõi tiến trình vận hành ở các giai đoạn khác nhau trong chuỗi phân phối.
Ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Grey Hunt cho biết có "3 giai đoạn quan trọng" trong việc triển khai vắcxin, bao gồm đánh giá dựa trên dữ liệu từ các công ty phát triển vắcxin, vận chuyển và phân phối.
Ông khẳng định hiện Australia đang đi đúng hướng và trước kế hoạch. Mặc dù vậy, cần phải đặt yếu tố an toàn lên trước tiên và đảm bảo để mọi người dân Australia đều có thể tiếp cận với vắcxin.
Tính đến sáng 24/12 (giờ Việt Nam), Australia ghi nhận 28.258 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 20 trường hợp trong 24 giờ qua), trong số đó có 908 trường hợp tử vong./.