Tình hình Thái Lan phức tạp hơn sau phán quyết của tòa án

Tòa án dân sự Thái Lan đã ra phán quyết công nhận tính hợp pháp của việc chính phủ áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp.
Tình hình Thái Lan phức tạp hơn sau phán quyết của tòa án ảnh 1Người biểu tình chống chính phủ tập trung tại thủ đô Bangkok ngày 20/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tòa án dân sự Thái Lan ngày 20/2 đã ra phán quyết công nhận tính hợp pháp của việc chính phủ áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp, nhưng nội dung của phán quyết lại cấm chính quyền lạm dụng luật tình trạng khẩn cấp để trấn áp quyền biểu tình hòa bình của người dân được ghi nhận trong hiến pháp nước này.

Phán quyết này được bình luận là một sự ủng hộ Phong trào biểu tình và sẽ gây khó khăn cho chính phủ hiện đang phải vất vả chống đỡ "những đòn đánh" của người biểu tình.

Luật tình trạng khẩn cấp được được tuyên bố áp dụng ở thủ đô và một số khu vực lân cận trong 60 ngày, bắt đầu từ 22/1, sau khi Phong trào biểu tình phát động chiến dịch đóng cửa Bangkok.

Một loạt các quy định đã được ban hành theo luật tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế hoạt động chống đối của người biểu tình, đặc biệt là trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án dân sự lại nói rằng một loạt các quy định đó vi phạm quyền của người biểu tình vì trước đó Tòa án hiến pháp Thái Lan đã công nhận các cuộc biểu tình của người dân là hòa bình, trật tự và không hề có vũ khí.

Tòa án dân sự buộc chính phủ không được áp dụng lệnh cấm người biểu tình tụ tập trên năm người và cấm chính phủ áp dụng lệnh cấm người biểu tình trên một số tuyến phố.

Phán quyết cũng cấm các cơ quan chức năng ra lệnh sử dụng vũ lực để trấn áp người biểu tình một cách hòa bình.

Theo giải thích của tòa án, thì đây là biện pháp nhằm bảo vệ quyền của người biểu tình hòa bình.

Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ đề nghị của phe biểu tình về việc gỡ bỏ ngay lập tức lệnh tình trạng khẩn cấp nói trên vì chính phủ có quyền áp dụng luật này.

Trong phán quyết này không thấy đề cập tới vấn đề liệu hành động bao vây các cơ quan chính quyền của người biểu tình có vi phạm pháp luật hay không???

Phía người biểu tình cho rằng phán quyết này cho thấy rằng cơ chế kiểm soát và cân bằng tại Thái Lan vẫn hoạt động.

Phán quyết cũng sẽ giúp người biểu tình có thêm cơ sở để tìm cách gỡ bỏ lệnh bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình bất tuân lệnh tình trạng khẩn cấp.

Trong một diễn biến mới nhất, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố nâng mức độ biểu tình phản đối chính phủ lên thêm một cấp bằng việc sẽ theo Thủ tướng Yingluck Shinawatra tới cùng để ngăn cản bà này làm việc.

Theo ông này, người biểu tình sẽ bao vây tất cả các điểm mà bà Yingluck dự định tới làm việc kể cả ở quê hương của bà là tỉnh Chiang Mai bất chấp việc một số thủ lĩnh áo đỏ đã mời bà Yingluck về quê "lánh nạn" nếu không tìm được chỗ nương tựa ở Bangkok.

Ông Suthep trước đó cũng kêu gọi người dân không sử dụng sản phẩm dịch vụ của hãng điện thoại di động lớn nhất Thái Lan hiện nay, AIS.

Ông này cho rằng gia đình Shinawatra có sở hữu phần lớn trong hãng này nên mọi người nên tẩy chay nó.

Ông này cũng lớn tiếng thách thức những người áo đỏ hãy tập trung về Bangkok để chiến dịch phản đối chính phủ của ông có thể kết thúc một cách chóng vánh.

Các thủ lĩnh áo đỏ đang dự kiến sẽ tập hợp lực lượng ở tỉnh Nakhon Ratchasima, miền Đông Bắc Thái Lan, nhằm thảo luận về tình hình chính trị hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục