Tổ chức Di trú Quốc tế trở thành cơ quan trực thuộc LHQ

Tổ chức Di trú Quốc tế trở thành cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/7 đã nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận biến Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thành một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc.
Tổ chức Di trú Quốc tế trở thành cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc ảnh 1Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: Liên hợp quốc)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/7 đã nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận biến Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thành một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc.

Thông cáo báo chí của Tổng Giám đốc IOM, ông William Lacy Swing nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay, "thỏa thuận trên chứng tỏ quyết tâm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc trong việc đảm bảo hoạt động di trú mang tính nhân văn hơn và có trật tự hơn cho tất cả mọi người."

Ông nói thên: "Đây là một ngày có ý nghĩa lịch sử, không chỉ đối với IOM và Liên hợp quốc, mà cả đối với những người di cư cũng như gia đình của họ trên toàn thế giới." 

Nghị quyết của Đại hội đồng nêu rõ IOM và Liên hợp quốc sẽ tăng cường hợp tác để đạt được những mục tiêu chung, hỗ trợ lẫn nhau thực thi những trách nhiệm riêng rẽ của hai tổ chức, hợp tác chặt chẽ và tham vấn về các vấn đề quan tâm chung.

Cũng thông qua thỏa thuận này, Liên hợp quốc công nhận IOM là một "tổ chức không thể thiếu được trong các hoạt động nhân đạo."

IOM hoạt động trong các lĩnh vực như bảo vệ người nhập cư và người khuyết tật sống tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi người nhập cư, tạo điều kiện cho người tị nạn định cư hoặc hồi hương tự nguyện, và tư vấn đề lồng ghép vấn đề cư trú vào các các kế hoạch phát triển quốc gia.

Nghị quyết vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua có ý nghĩa mở đường để Tổng thư ký Ban-Ki-moon và Tổng giám đốc Swing ký kết một hiệp định tại Hội nghị cấp cao về người tị nạn và người di cư diễn ra vào ngày 19/9 tới.

IOM là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1951 với tư cách ban đầu là Ủy ban liên chính phủ về di trú châu Âu để giúp tái định cư những người phải di chuyển chỗ ở trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Nhiệm vụ của tổ chức đã phát triển rộng khắp theo thời gian và hiện tổ chức này hoạt động trong lĩnh vực di trú và các vấn đề liên quan đến di trú trên toàn thế giới.

IOM đã trợ giúp cho khoảng 20 triệu người di cư trong năm 2015 và hiện là một tổ chức liên chính phủ có hơn 9.500 nhân viên và 450 văn phòng trên toàn thế giới. IOM được trao quy chế Quan sát thường trực tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1992, và thỏa huận hợp tác giữa IOM và Liên hợp quốc được ký kết vào năm 1996. Công nhận sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai tổ chức này, hồi đầu năm nay Đại hội đồng, theo đề xuất của Tổng thư ký Ban Ki-moon, đã bắt đầu tiến trình soạn thảo thỏa thuận mới để biến IOM thành một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục