Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức và Pháp

OECD kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%; trong khi đó, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng, từ 1,2% xuống còn 0,9%.
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ôtô của Hãng BMW (Đức). (Ảnh: DW/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 4/12 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của 2 nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) này.

OECD cảnh báo rằng căng thẳng thương mại gia tăng có thể làm gián đoạn nền kinh tế thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, OECD, cơ quan chuyên tư vấn cho các quốc gia công nghiệp về các vấn đề chính sách, kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%.

Trong khi đó, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng của mình, từ 1,2% xuống còn 0,9%.

Đức và Pháp, 2 nền kinh tế hàng đầu của EU, đã phải vật lộn với hàng loạt thách thức trong năm qua, trong đó những yếu tố chi phối lớn nhất đến hoạt động kinh tế là tình hình chính trị, giá năng lượng cao, đầu tư chậm lại và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng.

Liên minh cầm quyền ba đảng của Đức đã sụp đổ ngày 6/11 do bất đồng về cách giải quyết tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng của đất nước, khiến nước này phải tổ chức bầu cử sớm, dự kiến vào tháng 2/2025.

Theo OECD, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm so với mức trung bình của Khu vực đồng euro (Eurozone) là 1,3% trong năm 2024 và 1,5% trong năm 2025.

Tuy nhiên, lạm phát thấp và tiền lương tăng sẽ hỗ trợ thu nhập thực tế và tiêu dùng tư nhân, OECD cho biết.

OECD nhấn mạnh mặc dù đầu tư tư nhân sẽ tăng dần, nhờ sự hỗ trợ từ khoản tiết kiệm cao của doanh nghiệp và lãi suất giảm dần, nhưng sự không chắc chắn về chính sách sẽ tiếp tục gây áp lực lên niềm tin của nhà đầu tư.

Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Rennes, miền Tây Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tại Pháp, Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Michel Barnier phải đối mặt với nguy cơ bị hạ bệ bởi một động thái bất tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 4/12 sau khi Chính phủ nước này buộc phải thông qua một dự luật ngân sách không được lòng dân trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách hiện ở mức cao.

Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ban đầu do ông Barnier đưa ra bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỷ euro (63,1 tỷ USD), nhằm đưa thâm hụt ngân sách từ mức ước tính 6,1% trong năm nay xuống còn 5% GDP trong năm 2025 và mục tiêu là cắt giảm thâm hụt xuống còn 3% trong năm 2029. OECD dự báo kinh tế Pháp sẽ chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2025 và 1% vào năm 2026.

OECD cũng đã cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên toàn thế giới, cho biết các rào cản thương mại ngày càng tăng có thể làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.

Cảnh báo này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng với tuyên bố sẽ áp thuế đối với một số đối tác thương mại.

OECD cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt từ các nền kinh tế lớn nhất gây ra rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu, mặc dù OECD đã nâng dự báo năm 2025 cho toàn bộ nền kinh tế thế giới lên 3,3%, tăng 0,1%.

OECD nhấn mạnh: “Việc gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm tăng chi phí và giá cả, cản trở đầu tư, làm suy yếu đổi mới sáng tạo cũng như giảm tăng trưởng.”

Một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Roland Berger đã tính toán thiệt hại do các biện pháp thuế của Mỹ cũng như các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và EU, có thể lên tới hơn 2.100 tỷ USD tính đến năm 2029./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục