Tổ chức kinh doanh bản đồ số sẽ phải đặt máy chủ tại Việt Nam?

Ban soạn thảo dự kiến bổ sung khoản 9 Điều 38 quy định tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh bản đồ số phải đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Nguyễn Quốc Bình phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi)

Thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Với 88,8% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 điều.

Trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các vấn đề cụ thể về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng; trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thẩm quyền quyết định cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Điều 146)... đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình làm rõ.

Có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn ngân sách nhà nước.

Về các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, theo đó, không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu ngân sách nhà nước (ví dụ như số nộp ngân sách nhà nước về chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi ngân sách nhà nước để xử lý.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện, quy trình thực hiện việc cho vay đặc biệt để bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch trong hoạt động tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết điều kiện, quy trình thực hiện cho vay đặc biệt là hoạt động nghiệp vụ chuyên biệt, từng loại hình tổ chức tín dụng được vay từ nguồn khác nhau, mức lãi suất khác nhau, bên cạnh đó còn có các quy định về gia hạn cho vay đặc biệt, thu nợ khoản vay đặc biệt trong các trường hợp cụ thể. Do vậy, không quy định cụ thể trong Luật mà giao Ngân hàng Nhà nước để chủ động, linh hoạt trong điều hành.

Chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác đo đạc và bản đồ

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng ban hành Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi) là rất cần thiết, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhiều ý kiến đánh giá dự thảo Luật được xây dựng theo cách truyền thống trong khi lĩnh vực đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết với những tiến bộ khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều nội dung của đo đạc và bản đồ đã trở nên phổ thông, được truy cập miễn phí. Cụ thể như bằng công cụ tìm kiếm Google có thể biết vị trí chính xác hàng cm; bằng công nghệ laze có thể kiểm soát khoáng sản mà không phải khoan thăm dò rất tốn kém...

Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Đa số đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 dự thảo Luật: quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cho đầy đủ theo cách thể hiện của một số luật mới được Quốc hội ban hành gần đây. ​Phạm vi điều chỉnh được liệt kê tên tất cả các chương của luật, trừ chương quy định chung và chương điều khoản thi hành.

Nêu dự thảo thừa nhận cho tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài được tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lập luận, đã kinh doanh dịch vụ phải có sản phẩm và phải cho phép kinh doanh sản phẩm để thu lợi nhuận. Vậy hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển giao các sản phẩm về đo đạc và bản đồ có được điều chỉnh bởi Luật không? Nếu có, cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu nêu.

Đại biểu Lệ Thủy phân tích theo Điều 2 của dự Luật quy định luật này áp dụng cho cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ trên phạm vi của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công nhận bản đồ số trên Internet là xuất bản phẩm bản đồ.

Để quản lý vấn đề này, Ban soạn thảo dự kiến bổ sung khoản 9 Điều 38 quy định tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh bản đồ số phải đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn an ninh dữ liệu.

Đại biểu đặt vấn đề vậy trường hợp Google, Yahoo có thuộc đối tượng áp dụng của luật này không khi các tổ chức này đưa bảo đồ lên Internet bằng máy chủ nước ở ngoài và người khai thác sử dụng không thuộc phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Trong dự thảo Luật, Điều 24 quy định bản đồ hành chính Việt Nam gồm: Bản đồ hành chính toàn quốc; Bản đồ hành chính cấp tỉnh; Bản đồ hành chính cấp huyện.

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) phân tích bản đồ hành chính thể hiện ranh giới các đơn vị hành chính kèm theo địa danh và một số yếu tố chính về tự nhiên, kinh tế, xã hội.

Nêu bản đồ hành chính cấp nào được lập trên cơ sở địa giới hành chính cấp đó, nhưng trong dự thảo chỉ quy định 3 loại là: Bản đồ hành chính toàn quốc; Bản đồ hành chính cấp tỉnh; Bản đồ hành chính cấp huyện là chưa đầy đủ, đại biểu Lê Minh Thông đề nghị cần bổ sung bản đồ hành chính cấp xã vào điều luật này. Bởi cấp xã là cấp hành chính thứ 4, lập bản đồ hành chính cấp xã là để chỉ ra sự phân chia cơ cấu chính trị của của cấp hành chính cuối cùng, nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực....

Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp, đặc biệt là việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác đo đạc và bản đồ, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục