Tòa án Anh ngày 6/1 đã bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi tòa án Anh bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.
Thẩm phán Vanessa Baraitser khẳng định rằng dựa trên cách hành xử trước đây của ông Assange, hoàn toàn có cơ sở tin rằng nếu được tại ngoại ngày hôm nay, ông này sẽ không trình diện trước tòa để đối mặt với các cáo buộc pháp lý.
Bà nhắc lại việc ông Assange từng bỏ trốn tới đại sứ quán Ecuador tại London vào năm 2012 trong thời gian bảo lãnh tại ngoại để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển - nơi ông bị cáo buộc phạm tội cưỡng hiếp. Ông Assange đã ở trong đại sứ quán Ecuador trong suốt 7 năm sau đó cho đến khi Ecuador thu hồi quy chế tị nạn của ông.
[Nhà sáng lập Wikileaks sẽ được về nước nếu yêu cầu dẫn độ bị bác]
Trước đó cùng ngày, Mỹ cũng đã hối thúc thẩm phán của tòa sơ thẩm Westminster không cho phép ông Assange được bảo lãnh. Phía Mỹ cũng đang tìm cách kháng cáo lại phán quyết trước đó của toà án Anh về việc bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ.
Trong phiên xét xử tại tòa án hình sự Old Bailey ở thủ đô London, thẩm phán Vanessa Baraitser đã bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý của ông Assange, song nói rằng không thể dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vì ông này có nguy cơ tự sát.
Ông Assange, người Australia, 49 tuổi, đang bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London (Anh). Tại Mỹ, ông này bị cáo buộc 18 tội danh hình sự liên quan đến vụ rò rỉ khoảng 500.000 tài liệu mật của Chính phủ Mỹ trên WikiLeaks. Các luật sư lập luận rằng việc truy tố ông Assange mang động cơ chính trị và việc dẫn độ về Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc của các nhà báo./.