Ngày 27/2, một tòa án Đức đã ra phán quyết cho phép các thành phố có thể áp đặt các lệnh cấm xe ôtô chạy bằng động cơ diesel nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Quyết định mang tính bước ngoặt này được cho là có thể làm chao đảo ngành sản xuất ôtô cũng như đảo lộn các chính sách giao thông ở Đức.
Phán quyết của Tòa án Hành chính liên bang thành phố Leipzig nêu rõ các chính quyền địa phương có quyền ban hành các lệnh cấm hàng triệu xe ôtô đời cũ và chạy bằng dầu diesel lưu hành ở trung tâm các thành phố.
Phạm vi của lệnh cấm chủ yếu ở các thành phố ô nhiễm khói mù như Stuttgart và Duesseldorf, song có thể sẽ được áp dụng trên cả nước.
Các thẩm phán cho rằng các lệnh cấm xe chạy động cơ diesel cần được áp dụng dần và có thể có ngoại lệ đối với một số loại xe.
Tại thành phố Stuttgart - nơi đóng đô của 2 hãng sản xuất xe ôtô BMW và Dainler và được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại Đức, lệnh cấm này có thể có hiệu lực sớm nhất vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, tòa án Leipzig đã không ban hành lệnh cấm trên tại chính thành phố này mà cho phép chính quyền địa phương tự đưa ra quyết định. Các thẩm phán chỉ kêu gọi chính quyền Leipzig có các quyết sách "hợp lý" trong việc thực thi các lệnh cấm.
Phán quyết của tòa án liên bang Leipzig đã khiến hàng triệu tài xế lo ngại, song được coi là thắng lợi lớn đối với tổ chức hoạt động vì môi trường Deutsche Umwelthilfe (DUH).
Trong nhiều năm qua, DUH vẫn theo đuổi các vụ kiện giới chức bang và địa phương ở Đức, trong đó có 2 thành phố Stuttgart và Duesseldorf, để buộc họ đưa ra các biện pháp cải thiện chất lượng không khí.
Trước đó, các thẩm phán ở cấp thấp hơn cũng đã ra các phán quyết ủng hộ một lệnh cấm xe ôtô chạy động cơ diesel.
Tuy nhiên, các bang Baden-Wuerttemberg và North Rhine-Westphalia đã đệ đơn yêu cầu bác bỏ các phán quyết này, cho rằng lệnh cấm xe diesel cần do tòa án cấp liên bang quyết định.
Theo đánh giá DUH, có tới 90 thành phố của Đức có nguy cơ bị phạt do lượng khí thải điôxít nitơ (NO2) trong không khí vượt mức cho phép./.