Tòa án Hàn Quốc giữ nguyên mức phạt 760 triệu USD đối với Qualcomm

Năm 2016, FTC đã quyết định phạt nhà sản xuất chip có trụ sở tại bang California do vi phạm luật cạnh tranh của Hàn Quốc, trong đó có việc Qualcomm từ chối cấp phép cho các nhà sản xuất chip đối thủ.
(Nguồn: Mashable)

Theo hãng tin Yonhap, ngày 13/4, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết ủng hộ quyết định của Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) phạt Tập đoàn chip máy tính Qualcomm của Mỹ 1.030 tỷ won (khoảng 760,8 triệu USD) vì hành vi cạnh tranh không công bằng.

Đây là khoản tiền phạt lớn nhất mà FTC đưa ra từ trước đến nay.

Theo đó, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên phán quyết trước đó của Tòa Thượng thẩm Seoul ủng hộ quyết định của FTC. 

FTC bày tỏ hoan nghênh phán quyết trên, đồng thời cho biết sẽ theo dõi việc Qualcomm thực hiện biện pháp khắc phục theo phán quyết của tòa.

Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ có hành động mạnh mẽ đối với những hành vi cản trở cạnh tranh lành mạnh.

Năm 2016, FTC đã quyết định phạt nhà sản xuất chip có trụ sở tại bang California do vi phạm luật cạnh tranh của Hàn Quốc, trong đó có việc Qualcomm từ chối cấp phép cho các nhà sản xuất chip đối thủ.

[Qualcomm và bước tiến mới cho AI tích hợp trên smartphone]

Qualcomm cũng bị cáo buộc lợi dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường modem chip (chip dùng trong sản xuất modem kết nối và truy cập mạng Internet) để buộc các nhà sản xuất thiết bị cầm tay phải trả các khoản phí chuyển nhượng các bằng sáng chế theo những điều khoản mà doanh nghiệp này đơn phương đặt ra và buộc các nhà sản xuất phải ký các hợp đồng về cấp giấy phép liên quan.

Qualcomm phản đối quyết định trên của FTC và quyết định khiếu nại lên tòa án.

Năm 2019, Tòa Thượng thẩm Seoul đã ra phán quyết ủng hộ mức phạt đề xuất của FTC đối với tập đoàn của Mỹ.

Vào năm ngoái, Tòa án châu Âu tuyên bố hủy án phạt 997 triệu euro (1,05 tỷ USD) do Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với hãng chế tạo chip điện tử Qualcomm cách đây 4 năm vì vi phạm luật chống độc quyền trong hợp đồng cung cấp độc quyền các sản phẩm cho Apple.

Các thẩm phán của tòa án cấp cao thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) cho biết EC đã có một số “thủ tục bất thường” khi xử lý vụ việc, ảnh hưởng đến quyền bào chữa của Qualcomm.

Năm 2018, EC cho rằng trong 5 năm từ 2011-2016, Qualcomm đã trả hàng tỷ USD cho Apple để trở thành nhà cung cấp chip điện tử độc quyền cho hãng công nghệ này.

Việc làm của Qualcomm đã khiến các đối thủ khác không dễ gì cạnh tranh được với hãng dù sản phẩm của họ có chất lượng ra sao, từ đó làm ảnh hưởng tới quyền được lựa chọn và được trải nghiệm các sản phẩm có tính đột phá của khách hàng cũng như các công ty khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục