Tòa phúc thẩm khu vực số 9 của Mỹ ngày 7/9 đã ra phán quyết bác bỏ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có hiệu lực từ ngày 30/6 vừa qua.
Theo phán quyết, các đối tượng là ông bà, cô dì, chú bác và họ hàng của những người định cư hợp pháp ở Mỹ không nằm trong diện bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của Tổng thống Trump. Phán quyết sẽ có hiệu lực sau năm ngày kể từ khi được công bố.
Phán quyết này được xem là một đòn mới nhất nhằm vào sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân sáu nước mà người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Syria, Lybia, Somalia, Sydan và Yemen trong vòng 90 ngày, vốn được Tổng thống Trump coi là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Lý giải về phán quyết trên, tòa án cho biết tính hợp pháp của mối quan hệ ông bà, cháu chắt, cô dì, chú bác, anh em họ hàng với những người đang định cư ở Mỹ là không cần bàn cãi. Phán quyết của tòa án cũng bác bỏ lý lẽ của chính quyền Tổng thống Trump cho rằng giấy tờ bảo lãnh do cơ quan tái định cư cấp cho từng trường hợp người tị nạn không chứng thực quan hệ hợp pháp.
[Mỹ cho phép những người bị cấm nhập cảnh xin cấp lại thị thực]
Nhiều tổ chức người tị nạn ủng hộ phán quyết của tòa án, cho rằng phán quyết này đã trao lại niềm tin cho những người lánh nạn xin tị nạn và đang quan ngại về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Theo kế hoạch, tháng 10/2017, Tòa án Tối cao sẽ xem xét liệu sắc lệnh cấm nhập cảnh người Hồi giáo có vi phạm Hiến pháp Mỹ hay không.
Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ hạn chế nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6, sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép triển khai một phần sắc lệnh.
Một trong những nội dung của sắc lệnh mà tòa cho phép triển khai bao gồm việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ "đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ."
Những người muốn xin thị thực vào Mỹ đến từ sáu quốc gia Hồi giáo phải chứng minh được mối quan hệ huyết thống với cha/mẹ, chồng/vợ, con nhỏ, con trai/gái trưởng thành, con rể, con dâu hoặc anh/chị/em ruột ở Mỹ./.