Ngày 20/4, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Iran phải chuyển khoản bồi thường trị giá 2 tỷ USD trong các tài sản bị đóng băng cho các nạn nhân trong nhiều vụ tấn công mà nước Cộng hòa Hồi giáo này bị cho là có dính líu.
Phán quyết được đưa ra có lợi cho gia đình của 241 lính thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom doanh trại của Mỹ tại thủ đô Beirut của Liban vào năm 1983 cũng như thân nhân của 19 quân nhân Mỹ trong vụ đánh bom tòa tháp Khobar năm 1996 ở Saudi Arabia và nhiều vụ tấn công khác.
Iran bị cáo buộc có dính líu trong các vụ tấn công trên. Tổng cộng 1.000 người Mỹ sẽ được hưởng lợi từ phán quyết này. Luật sư đại diện cho các gia đình bị hại đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này.
Theo Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, quyết định trên là nhằm bác bỏ mọi nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Iran phong tỏa các khoản đền bù cho các nạn nhân và thân nhân Mỹ trong những vụ việc trên.
Bên cạnh đó, phán quyết này cũng đồng nghĩa thừa nhận đạo luật mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2012 yêu cầu Iran bồi thường cho các nạn nhân Mỹ là hợp pháp. Thẩm phán Ginsburg nhấn mạnh Quốc hội Mỹ vào thời điểm đó không hề lạm dụng quyền hạn của mình và đạo luật năm 2012 của cơ quan lập pháp này không phải là mối đe dọa đối với sự độc lập của hệ thống tư pháp Mỹ do văn kiện này được áp dụng trong nhiều vụ việc chứ không phải là một trường hợp đơn lẻ.
Theo đạo luật mà Iran coi là vi hiến trên, phía Mỹ đã yêu cầu Ngân hàng Markazi của Iran chấm dứt phong tỏa các trái phiếu của mình trong tài khoản ở ngân hàng Citibank tại New York để đền bù cho người bị hại.
Không chỉ bị yêu cầu bồi thường trong các vụ tấn công nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài, Iran cũng đã bị yêu cầu trả tiền bồi thường cho nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001. Hồi tháng 1/2012, một thẩm phán liên bang Mỹ ra phán quyết buộc Iran, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và một số tổ chức Hồi giáo khác phải trả tổng cộng 6 tỷ USD tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân của loạt vụ khủng bố 11/9, khiến hơn 3.000 người Mỹ thiệt mạng. Tuy nhiên, Iran luôn bác bỏ mọi sự dính líu, bất chấp việc quốc gia Hồi giáo này cùng Giáo chủ Ali Khamenei bị đưa ra vào danh sách các đối tượng phải bồi thường.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tehran và Washington đang nỗ lực hàn gắn quan hệ sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1./.