Ngày 22/2, Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu phiên tòa về các cáo buộc mạng xã hội Twitter đã làm ngơ để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động trên nền tảng này.
Trong điều trần kéo dài 2 giờ, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đã nghe trình bày về các cáo buộc cho rằng Twitter nên bị quy trách nhiệm "hỗ trợ và xúi giục" khủng bố vì không ngăn chặn những nội dung do các nhóm Hồi giáo cực đoan lan truyền.
Trong thông báo tới luật sư đại diện của Twitter, Thẩm phán Sonia Sotomayor cho biết có cáo buộc rằng nền tảng xã hội này đã cố ý làm ngơ dù biết IS có hoạt động trong không gian của mình.
[Các hãng công nghệ lớn đối mặt với quy định khắt khe hơn của EU]
Vụ kiện này do gia đình của 1 nạn nhân trong vụ tấn công năm 2017 của IS nhằm vào một câu lạc bộ ban đêm ở Istanbul tiến hành.
Bên nguyên đơn cáo buộc Twitter đã không ngăn chặn và dỡ bỏ các dòng chia sẻ của IS được cho là hỗ trợ cho hành động khủng bố.
Về phần mình, Twitter - với sự hậu thuẫn từ nhiều công ty công nghệ lớn, khẳng định chỉ là một nền tảng được hàng chục triệu người dùng trên thế giới sử dụng và không chủ ý hỗ trợ bất cứ nhóm khủng bố nào.
Trước đó 1 ngày, một vụ việc tương tự nhằm vào YouTube cũng được đưa ra điều trần tại tòa án trên.
Vụ kiện có liên quan 1 nạn nhân người Mỹ trong các cuộc tấn công mà IS nhận đã thực hiện tại Paris năm 2015.
Tâm điểm của cả 2 vụ việc xoay quanh vấn đề những điều luật đã ra đời từ nhiều thập kỷ trước dường như đang giúp các nền tảng công nghệ của thế hệ mới được miễn những trách nhiệm pháp lý, khiến các vụ kiện về vấn đề nội dung gần như không thể diễn ra.
Tòa án Tối cao Mỹ sẽ đưa ra quyết định về các vụ kiện Twitter và YouTube trước ngày 30/6./.