Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý vụ kiện liên quan đến quyền sử dụng súng

Đơn kháng cáo phản đối quy định phải có giấy phép để được mang súng khi ra ngoài của bang New York sẽ được 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao xem xét và thảo luận vào tháng 10.
Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý vụ kiện liên quan đến quyền sử dụng súng ảnh 1Một cửa hàng bán súng ở Mineola, New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/4, Tòa án Tối cao Mỹ đã chấp thuận xem xét đơn kháng cáo chống lại một đạo luật của bang New York về việc siết chặt kiểm soát súng đạn.

Đây sẽ là vụ kiện đầu tiên nhằm vào Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ quy định về quyền mang vũ khí mà Tòa án Tối cao thụ lý trong hơn một thập kỷ qua.

Trong khi hầu hết các bang tại Mỹ không áp đặt quy định hạn chế đối với việc mang súng khi ra khỏi nhà, New York và 7 bang khác, gồm California, Delaware, Hawaii, Maryland, Massachusetts, New Jersey và Rhode Island, lại có những biện pháp khắt khe.

Đơn cử như tại New York, việc mang súng khi ra ngoài chỉ giới hạn cho những thợ săn hoặc có thể chứng minh được nhu cầu tự vệ như nhân viên ngân hàng. Những người muốn mang súng khi ra ngoài cần có giấy phép chứng minh có "lý do hợp lý."

Giờ đây, đơn kháng cáo phản đối quy định phải có giấy phép để được mang súng khi ra ngoài của bang New York sẽ được 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao xem xét và thảo luận vào tháng 10 tới.

Trước đó, đơn kháng cáo này đã bị các tòa án cấp dưới bác bỏ. Bên nguyên trong vụ kiện này là hai người đã bị bang New York từ chối cấp giấy phép mang súng vì mục đích tự vệ khi họ ở bên ngoài.

Tòa án Tối cao cho biết các thẩm phán sẽ tập trung tranh luận về việc liệu quyết định nói trên của bang New York có vi phạm Tu chính án thứ hai hay không.

Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ nêu rằng "quyền của người dân được giữ và mang vũ khí sẽ không bị xâm phạm."

Đối với Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) và nhiều chủ sở hữu súng, tu chính án thứ hai đảm bảo quyền mang vũ khí của công dân. Trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt vào năm 2008, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng tu chính án thứ hai đảm bảo quyền sở hữu súng ở nhà và cho phép chính quyền các thành phố cũng như các bang tự đặt ra các quy định về việc người dân mang vũ khí khi họ ra ngoài.

Kể từ đó, bất chấp lời kêu gọi của những người ủng hộ quyền sử dụng súng, Tòa án Tối cao từ chối đưa ra bất kỳ quyết định liên quan đến việc các bang điều chỉnh các quy định về quyền sở hữu súng.

Quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ được xem là một thông tin tích cực đối với NRA. Tuyên bố của NRA nêu rõ: "Chúng tôi tin tưởng rằng tòa án sẽ thông báo cho chính quyền New York và các bang khác rằng quyền mang súng để tự vệ trong Tu chính án thứ hai là quyền cơ bản và không mất đi khi chúng ta bước ra khỏi nhà."

Ngược lại, các nhóm ủng hộ việc kiểm soát súng đạn lo ngại rằng bất kỳ quyết định nào có lợi cho bên khởi kiện có thể làm suy yếu quyền áp đặt hạn chế sử dụng súng của chính quyền các bang.

[Tổng thống Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn có giới hạn]

Hiện nhiều nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn tại Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Joe Biden hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề nhức nhối tại quốc gia này sau hàng loạt vụ xả súng gây thương vong trong thời gian gần đây.

Ngày 8/4 vừa qua, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã công bố các biện pháp có giới hạn để giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ, coi đây là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế số lượng các vụ xả súng, tự sát và gây đổ máu trong cộng đồng.

Bạo lực súng đạn từ lâu đã là câu chuyện gây nhức nhối trong xã hội Mỹ và đến nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng do những bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ cùng như những tác động của khía cạnh lợi ích. Năm ngoái, đã có hơn 43.000 người thiệt mạng liên quan đến súng đạn ở Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.