Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ chính quyền siết chặt quy chế tị nạn

Phán quyết trên đã giúp Tổng thống Trump có được "cú hích" cần thiết vào thời điểm các chính sách siết chặt người di cư của chính quyền vấp phải sự phản đối tại các tòa án cấp thấp hơn.
Trong ảnh: Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại khu vực Huixtla, Tapachula, bang Chiapas, Mexico, ngày 15/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại khu vực Huixtla, Tapachula, bang Chiapas, Mexico, ngày 15/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/9, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép thực thi các biện pháp hạn chế xin tị nạn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, qua đó ngăn chặn phần lớn người di cư từ các nước Trung Mỹ có cơ hội xin quy chế này tại biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Theo Tòa án Tối cao Mỹ, những biện pháp siết chặt của chính quyền Mỹ có thể có hiệu lực do vẫn tiếp diễn tiến trình kiện tụng để chứng minh tính hợp pháp của quy định này. Trong số chín thẩm phán của tòa án, Thẩm phán Sonia Sotomayor và Ruth Bader Ginsburg đã phản đối phán quyết của tòa.

Phán quyết trên đã giúp Tổng thống Trump có được "cú hích" cần thiết vào thời điểm các chính sách siết chặt người di cư của chính quyền vấp phải sự phản đối tại các tòa án cấp thấp hơn. Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Trump đã hoan nghênh quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ.

Nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Mỹ đổ vào Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump đã triển khai một số biện pháp hạn chế việc xin quy chế tị nạn, trong đó có chính sách mới "nước thứ ba an toàn."

Người di cư vượt biên từ Mexico vào biên giới phía Nam nước Mỹ sẽ không được xin tị nạn vào nước này. Ngoài ra, những người di cư đi qua Mexico muốn xin tị nạn tại Mỹ phải có sự bảo trợ của một nước thứ ba.

[Giải cứu 108 người di cư bất hợp pháp ở ngoài khơi Libya]

Biện pháp mới này chủ yếu nhằm vào người dân từ các nước Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador, đang tìm cách xin tị nạn tại Mỹ.

“Nước thứ ba an toàn” là khái niệm chỉ một quốc gia trên đường trung chuyển của những dòng người di cư tới Mỹ, cấp quy chế tị nạn cho họ trong thời gian làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ một cách hợp pháp.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó phải đối mặt với khả năng sẽ phải chăm lo cho những người di cư này một cách lâu dài nếu họ bị chính quyền Mỹ từ chối nhập cảnh, hay nói cách khác là chia sẻ gánh nặng người di cư. Ngày 9/9, Thẩm phán liên bang Mỹ Jon Tigar tại bang California đã ra phán quyết ngăn chặn chính sách này của Washington.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ tiếp tục duy trì lực lượng gồm 5.500 binh sỹ tại biên giới phía Nam của nước này trong năm tới nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Bộ này đồng thời thông qua việc sử dụng 3,6 tỷ USD từ ngân sách xây dựng quốc phòng cho 11 dự án xây tường biên giới với Mexico, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thể sử dụng khoảng 8 tỷ USD từ ngân sách các bộ ngành cho việc xây dựng công trình nói trên.

Thống kê cho thấy mỗi năm có tới hàng chục nghìn người ở các nước Trung Mỹ rời bỏ nhà cửa do bạo lực và đói nghèo với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Mỹ.

Ngoài dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ, nhiều người đến từ châu Á, châu Phi cũng tới Ecuador, Colombia hoặc Brazil để tìm cách đến Mỹ. Số người di cư đổ về nước này tìm cơ hội tị nạn vượt khả năng cung cấp nơi tạm trú của chính quyền địa phương và khiến quá trình xét duyệt tiếp nhận bị quá tải.

Tổng thống Trump liên tục gọi đây là "cuộc xâm lược" và chủ trương thúc đẩy cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.