Ngày 14/2, Tòa án Công lý Tối cao Venezuela (TSJ) đã ra phán quyết khẳng định sự "vô hiệu và không tồn tại" đối với những quyết định của Quốc hội nước này do phe đối lập kiểm soát về việc bổ nhiệm ban lãnh đạo mới của Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA và Citgo - chi nhánh của doanh nghiệp này tại Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong một thông báo chính thức, TSJ nhấn mạnh nhằm bảo vệ hòa bình và hệ thống kinh tế xã hội của Venezuela, TSJ cũng ra lệnh bắt giữ, cấm xuất cảnh và phong tỏa tài sản trên lãnh thổ Venezuela đối với những nhân vật mà Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, bổ nhiệm như một biện pháp phòng ngừa.
[Venezuela điều tra ban lãnh đạo dầu khí do thủ lĩnh đối lập bổ nhiệm]
Do một số người này đang định cư ở nước ngoài nên TSJ cũng đề nghị xúc tiến các thủ tục yêu cầu dẫn độ về nước.
TSJ cho biết Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã bị tòa án ra phán quyết vô hiệu mọi hoạt động vì những vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và luật pháp Venezuela từ năm 2015, do đó các quyết định của cơ quan này không có giá trị pháp lý.
Trong tuyên bố đăng tải trên tài khoản Twitter, Tổng Công tố Venezuela Tarek William Saab khẳng định chỉ những lãnh đạo của PDVSA và các chi nhánh của công ty này được coi là hợp pháp khi được người đứng đầu chính phủ là Tổng thống Nicolas Maduro bổ nhiệm.
Ông Saab cho biết thêm văn phòng công tố đã mở cuộc điều tra đối với những nhân vật được phe đối lập bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của PDVSA và Citigo.
Cùng ngày, một hội nghị về viện trợ nhân đạo cho Venezuela do Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham gia của 25 quốc gia.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết các nước tham dự đã nhất trí hỗ trợ 100 triệu USD cho người dân Venezuela.
Theo ông David Smolanksy, điều phối viên của một nhóm làm việc OSA về vấn đề di cư và tị nạn từ Venezuela, khoản tiền trên sẽ được chuyển đến các trung tâm hỗ trợ nhân đạo tại biên giới giữa Venezuela với các nước Brazil và Colombia, và tại đảo Curazao.
Đại diện của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tại Mỹ, Carlos Vecchio, nói rằng ưu tiên hiện nay là vận chuyển hàng viện trợ vào Venezuela trước hạn chót vào ngày 23/2 tới.
Trong khi đó, Venezuela tiếp tục tăng cường các hoạt động phong tỏa cây cầu cửa khẩu biên giới với Colombia ở bang Tachira nhằm ngăn chặn việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo mà phe đối lập trong nước cùng với Mỹ và một số nước trong khu vực Mỹ Latinh đang thúc đẩy.
Các nhân chứng cho biết quân đội Venezuela đã cho đặt thêm một số thùng container chắn ngang cây cầu Tienditas để ngăn chặn các xe qua lại từ bên kia biên giới. Lực lượng vệ binh quốc gia cũng thường xuyên túc trực ở khu vực này.
Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro bác bỏ cái gọi là "viện trợ nhân đạo" cho Venezuela vì cho rằng nước này không trong "tình trạng khẩn cấp," đồng thời cáo buộc đây là cái cớ để Mỹ và các thế lực nước ngoài cùng với phe đối lập trong nước triển khai kế hoạch can thiệp quân sự và tạo ra một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền tại quốc gia Nam Mỹ này.
Căng thẳng trên chính trường Venezuela leo thang đến đỉnh điểm từ ngày 23/1, sau khi thủ lĩnh phe đối lập, ông Juan Guaido, cũng là Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, tự phong là "tổng thống lâm thời" cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.
Mỹ cũng là nước đầu tiên trong số các nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido làm "Tổng thống lâm thời" của Venezuela.
Lâu nay, ông Maduro vẫn luôn cáo buộc Mỹ xúi giục một cuộc đảo chính tại Venezuela.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới như Nga, Cuba, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada.... đều đã lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào tình hình Venezuela.
Liên hợp quốc đã khẳng định chỉ công nhận tính chính danh của Tổng thống hợp hiến Maduro, coi đây là nguyên thủ duy nhất của quốc gia Nam Mỹ này./.