Tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí

Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học cùng thảo luận về nghiên cứu xoay quanh việc cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, các cách tiếp cận khoa học, và kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí...
Hiện tượng sương mù đến buổi trưa tại Hà Nội vẫn chưa chấm dứt. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) cùng Tạp chí Tia Sáng và Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP) phối hợp tổ chức tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí vào chiều 9/1, tại Hà Nội.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live and Learn cho biết tọa đàm là dịp để các nhà khoa học cùng thảo luận về nghiên cứu xoay quanh việc cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, các cách tiếp cận khoa học và kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí...

[Tổng cục Môi trường: Ô nhiễm không khí đô thị còn duy trì ở mức ‘xấu’]

Dưới góc nhìn tổng quan từ các nghiên cứu về hiện trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian qua, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho biết Việt Nam đã có hệ thống quan trắc tự động thiết bị cố định hoặc đo bằng tay rồi về phân tích ở phòng thí nghiệm hoặc các trạm cảm biến. Như vậy, có rất nhiều thiết bị để quan trắc các thông số.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng công nghệ chưa cho phép quan trắc được tất cả thông số ô nhiễm cũng như độ chính xác nên cần phải cải thiện nhiều. Để giảm phát thải từ giao thông, có thể điều chỉnh hành vi lái, đảm bảo động cơ của xe đạt quy chuẩn phát thải, phát triển phương tiện công cộng...

Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí của một số thủ đô trên thế giới, Phó Giáo sư Nghiêm Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết bài học kinh nghiệm của thế giới cho thấy những chương trình, kế hoạch chỉ có thể thành công nếu có sự chung tay của toàn xã hội, bắt đầu từ những thay đổi trong việc lựa chọn phương thức đi lại, chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân chạy xăng sang sử dụng nhiên liệu sạch hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, đốt rác tự phát… và nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục