Toàn cảnh các thương vụ sáp nhập, mua lại doanh nghiệp trên thế giới

Trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực có sự khởi đầu mạnh mẽ nhất trên thế giới.
(Nguồn: scmp)

Trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực có sự khởi đầu mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Với tốc độ này, năm nay đang trên đà phá vỡ kỷ lục về những vụ sáp nhập và mua bán doanh nghiệp từng được ghi nhận năm 2007.

Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư ở các khu vực và lĩnh vực khác nhau không đồng nhất.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế EY có trụ sở tại London của Anh, cho biết số lượng giao dịch của các nhà đầu tư Trung Quốc tại châu Âu đã giảm 12% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống còn 111 thương vụ mua lại các doanh nghiệp.

Tại Đức và Anh, vốn là 2 địa bàn mục tiêu chính của các nhà đầu tư Trung Quốc, số lượng giao dịch giảm từ 26 xuống 22 thương vụ.

Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, tình hình vẫn ổn định, với 7 thương vụ mua lại hay đầu tư mua cổ phần từ các nhà đầu tư Trung Quốc như Bally International, Mercuria Energy Group, Swiss Education Group, Lista Holding, Takeda Chromo, Granite Capital và M.A. Med Alliance.

Đáng chú ý nhất là việc các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra không mấy quan tâm đến thị trường Mỹ.

Theo một nghiên cứu khác của hãng luật quốc tế Baker McKenzie và Rhodium Group, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài đã chuyển từ Bắc Mỹ sang châu Âu trong giai đoạn vừa qua.

Nghiên cứu này có tính đến giá trị các thương vụ sáp nhập và mua lại của Trung Quốc được công bố gần đây ở châu Âu, đạt 22 tỷ USD, vượt xa con số 2,5 tỷ USD giá trị các thương vụ được thực hiện ở Bắc Mỹ.

[Cuộc đua thâu tóm tài sản giữa các "đại gia" truyền thông giải trí Mỹ]

Theo Giám đốc chuyên trách đầu tư xuyên quốc gia của Baker McKenzie và Rhodium Group, ông Thilo Hanemann, tại châu Âu, các rào cản pháp lý vẫn yếu hơn so với ở Bắc Mỹ, các mối quan hệ chính trị dễ dự đoán hơn và các tài sản công nghiệp công nghệ cao có chất lượng hơn.

Trong khi đó, theo công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế Deloitte, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thụy Sĩ rất được quan tâm và được các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nhiều trong nửa đầu năm nay.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ này được bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng thêm 38%, với tổng cộng 40 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong số những nhà đầu tư này chỉ có 2 nhà đầu tư của Trung Quốc. Hầu hết các nhà đầu tư khác đều là người châu Âu; trong đó 9 nhà đầu tư người Đức, 3 người Pháp và Anh và 2 người Thụy Điển.

Nghiên cứu của Deloitte cũng ghi nhận xu hướng mua lại và sáp nhập đột phá (được gọi là Disruptive M&A) đang gia tăng trên toàn cầu, theo đó ngày càng có nhiều công ty mua bí quyết kỹ thuật số để mở rộng hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh.

Theo cố vấn tài chính Stephan Brücher, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot hay an ninh mạng đang rất được quan tâm.

Cuối cùng, theo báo cáo mới nhất của Hãng luật quốc tế Allen & Overy, những vụ sáp nhập lớn tiếp tục được tiến hành.

Số lượng giao dịch trị giá hơn 10 tỷ USD đã tăng hơn 301% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Minh chứng thêm về xu hướng này, các dữ liệu trong báo cáo do hãng tin Thomson Reuters cung cấp, cho thấy các giao dịch trị giá hơn 5 tỷ USD tăng 226%.

Do đó, giá trị các vụ giao dịch đã tăng tổng cộng 64% trong nửa đầu năm nay, mặc dù số lượng giao dịch giảm 11%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục