5 sỹ quan cảnh sát đã bị bắn chết và 7 cảnh sát khác bị thương trong vụ xả súng tại Dallas tối thứ Năm hôm qua sau khi trở thành mục tiêu của các tay súng trong một cuộc diễu hành biểu tình phản đối hai vụ cảnh sát bắn người da đen trong 2 ngày vừa qua. Hai dân thường khác cũng bị thương.
Theo báo cáo ban đầu của sở cảnh sát thành phố Dallas, ít nhất hai kẻ có súng đã xả súng vào các sỹ quan cảnh sát từ “các vị trí cao điểm.”
Theo thiếu tá Max Geron của sở, cảnh sát đã kiểm tra khu vực để đề phòng trường hợp có bom nhưng không tìm thấy gì. Thị trưởng Dallas, Mike Rawlings cho biết một tay súng đã chết trong vụ đọ súng với cảnh sát vì bị trúng bom. Tình hình vụ việc vẫn đang được cập nhật.
Dưới đây là những thông tin về diễn biến tính đến thời điểm này của vụ xả súng.
Chuyện gì đã xảy ra
Vụ nổ súng xảy ra khoảng lúc 8 giờ 45 phút tối thứ Năm (theo giờ địa phương) gần một con phố ở trung tâm Dallas, nơi người biểu tình đang tuần hành phản đối, cách tòa thị chính chưa đầy một dặm.
Cảnh sát khi đó đang làm nhiệm vụ kiểm soát đám đông và giao thông. Một vài sỹ quan đã bị thương trong vụ đọ súng diễn ra sau đó. Hãng tin AP trích dẫn lời cảnh sát trưởng của Dallas, David O.Brown, cho biết có 3 sỹ quan đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát trưởng Brown cho biết các sỹ quan đã bị bắn “theo kiểu phục kích,” một số bị bắn từ phía sau. Carlos Harris, một người dân địa phương chứng kiến sự việc chia sẻ với tờ Tin tức buổi sáng của Dallas rằng những tay súng “rất có chiến lược. Chúng bắn một hồi rồi lại ngừng. Bắn một hồi rồi lại ngừng.”
Theo Quỹ Tưởng niệm Sỹ quan thực thi luật pháp quốc gia, vụ xả súng này hiện được coi là vụ tấn công nhắm vào cảnh sát Mỹ tồi tệ nhất trong vòng gần 100 năm qua, cũng là ngày đen tối nhất của lực lượng hành pháp từ sau loạt vụ tấn công khủng bố 11/9.
Không có ai trong số người biểu tình thiệt mạng. Tuy nhiên thị trưởng Dallas Mike Rawlings cho biết một dân thường đã bị thương, và một người khác khẳng định một người biểu tình đã che chắn các con cô tránh khỏi luồng đạn.
Theresa Williams cho biết em gái của cô, Shetamia Taylor đã có mặt trong cuộc biểu tình cùng 4 cậu con trai tuổi từ 12 đến 17. Williams cho biết Taylor đã lấy thân mình che chắn bọn trẻ khi vụ xả súng nổi ra, và đã phải phẫu thuật do bị bắn trúng bắp chân.
Các cơ quan chức năng ở Dallas hôm nay cho biết đa phần khu vực trung tâm thành phố đã bị phong tỏa để kiểm soát tình hình, đồng thời công bố bản đồ các con phố bị đóng cửa.
Trong bài phát biểu từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, nơi đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi vụ xả súng này là “một hành động tấn công độc ác, có tính toán và đê tiện nhắm vào lực lượng hành pháp.”
“Tôi tin rằng mình đang phát biểu thay cho mỗi người dân Mỹ khi nói rằng chúng tôi đều thấy kinh hoàng trước sự việc,” ông Obama nói thêm.
Các nghi phạm
Một trong số các nghi phạm, kẻ đã chết sau vụ đọ súng với cảnh sát đã nói với người thương thuyết rằng hắn rất khó chịu về những vụ xả súng của cảnh sát gần đây cũng như phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng người da đen là đáng quý).
Hãng tin AP cho biết một cán bộ hành pháp ở Texas đã xác định tên này là Micah Johnson, 25 tuổi.
“Nghi phạm nói rằng hắn bồn chồn với phong trào Black Lives Matter,” cảnh sát trưởng David O.Brown phát biểu trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu. “Hắn nói rằng hắn khó chịu về những vụ xả súng của cảnh sát gần đây. Nghi phạm khó chịu với người da trắng, và hắn muốn giết người da trắng, nhất là những cảnh sát da trắng.”
Nghi phạm nói với người thương thuyết rằng hắn hành động một mình. Cảnh sát trưởng Brown cũng nêu rõ rằng nghi phạm không tự sát, mà chết vì một quả bom robot của cảnh sát.
“Chúng tôi không thấy có lựa chọn nào khác ngoài việc dùng robot mang bom và gắn thêm một thiết bị kích nổ quả bom khi đến gần nghi phạm. Những lựa chọn khác đều sẽ khiến các sĩ quan còn lại gặp nguy hiểm. Nghi phạm đã tử vong do bom nổ.”
Trong cuộc họp báo lúc rạng sáng thứ Sáu, cảnh sát trưởng Brown cho biết cảnh sát và nghi phạm đã đọ súng với nhau tại một bãi đỗ xe trong trung tâm thành phố. Hắn cũng nói với người thương thuyết răng “cái kết đang đến” và hắn có kế hoạch “làm bị thương và giết” nhiều thành viên lực lượng hành pháp hơn. Hẵn cũng khẳng định rằng nhiều quả bom đã được cải khắp khu trung tâm Dallas.
Chia sẻ với kênh CNN, thị trưởng Mike Rawlings của Dallas đã nói về việc dùng robot cảnh sát để kết thúc vụ đọ súng: “Hai bên đã bắn nhau một lúc trước khi bom nổ. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm rõ việc này trong cuộc họp báo sáng nay. Chúng tôi đã gửi một thiết bị nổ bằng robot vào hiện trường. Nghi phạm rất hiếu chiến và nói nhiều, hắn nói rằng mình sẽ giết tất cả mọi người. Hắn nói còn có bom. Chúng tôi cảm thấy đó là cách an toàn nhất để hạ hắn và đúng là như vậy.”
Brown cũng nói thêm rằng “một phụ nữ cũng có mặt tại hiện trường” đã bị bắt giữ. “Chúng tôi vẫn chưa có cảm giác an tâm là mình đã bắt hết tất cả các nghi phạm,” viên cảnh sát trưởng cho biết.
Các nhân chứng cũng nhìn thấy một người nữa mang túi ngụy trang tiến tới một chiếc ôtô Mercedes màu đen đang đợi và sau đó phóng đi. Chiếc xe này sau đó đã bị chặn lại, và cả hai người trong xe đều bị thẩm vấn. Thị trưởng Rawlings cho biết ba kẻ tình nghi hiện không chịu hợp tác với cảnh sát.
Sở cảnh sát Dallas đã đăng một bức ảnh của một nghi phạm lên Twitter. Người này sau đó đã ra trình diện và được xác định là Mark Hughes. Tuy nhiên sau đó, Hughes đã được cảnh sát cho về.
Trả lời kênh CBS, Hughes cho biết anh ta đã đến gặp cảnh sát khi biết mình được liệt vào danh sách nghi phạm. Sau 30 phút hỏi cung, cảnh sát đã thả anh ta. Hughes cũng nói rằng anh không hiểu vì sao cảnh sát lại nghĩ anh là tội phạm. “Điều điên rồ nhất là tôi không thể tới chỗ xe của mình vì những rào chắn. Nghĩ kỹ thì có khi tôi cũng suýt bị bắn rồi.”
Danh tính và động cơ của những kẻ tình nghi khác vẫn chưa được tiết lộ.
Các nạn nhân
Cơ quan quá cảnh hành khách nhanh khu vực Dallas (DART) xác nhận một trong số các sỹ quan cảnh sát thuộc lực lượng của mình là Brent Thompson, 43 tuổi là một nạn nhân của vụ xả súng. Thompson đã tham gia sở cảnh sát DART năm 2009 và cơ quan này cho biết anh là sỹ quan đầu tiên thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ từ khi cơ quan thành lập năm 1989.
“Chúng tôi vô cùng đau xót,” thông cáo của DART cho hay. Ngoài Thompson, ba sỹ quan khác của DART cũng bị thương trong vụ tấn công, nhưng được cho là sẽ sớm bình phục trở lại.
Dylan Martinez đã đăng một tweet cho biết người em trai của mình là Patrick Zamarripa là một trong số các nạn nhân.
Ba người thiệt mạng còn lại đều được cho là cảnh sát tại Dallas, nhưng danh tính của họ vẫn chưa được tiết lộ với công chúng. Thị trưởng Rawlings cho biết có hai nữ sỹ quan và một người qua đường bị thương.
Bức tranh lớn hơn
Vụ xả súng hôm thứ Năm đã góp phần gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong cuộc tranh luận nảy lửa tại Mỹ về chủng tộc và lực lượng hành pháp sau cái chết của Philando Castile ở St.Paul, Minnesota và Alton Sterling ở Baton Rouge, Los Angeles - cả hai đều là người da đen bị cảnh sát bắn chỉ cách nhau 1 ngày.
Cuộc biểu tình ở Dallas là một trong số những cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ phản đối hai vụ cảnh sát bắn người. Hàng trăm người biểu tình đã đổ xuống đường phố ở New York, Chicago, Philadelphia và các thành phố khác. Ngoài gia đình của hai nạn nhân, còn có những nhà hoạt động xã hội, người nối tiếng và chính trị gia lên tiếng về cái chết của Sterling và Castile.
“Chúng ta đã phải chứng kiến những bi kịch như thế này quá nhiều lần,” tổng thống Obama nói trong bài phát biểu về hai vụ xả súng. “Khi những sự cố thế này xảy ra, có một bộ phận lớn công dân cảm thấy rằng vì màu da của mình nên họ không được đối xử công bằng"./.