Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước sẽ được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vào ngày mai, 11/7.
Có tới 54 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ “chuyến bay giải cứu” này, và đáng buồn là có rất nhiều người trong đó là những quan chức cấp cao, được Đảng, Nhà nước giao cho trọng trách bảo hộ, giúp đỡ công dân, nhưng thay vì thực hiện nhiệm vụ của mình, họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Cùng VietnamPlus nhìn lại toàn bộ vụ án.
400 chuyến bay giải cứu, 372 "chuyến bay combo"
Tháng 1/2020, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và dần lan nhanh ra toàn thế giới. Đến tháng 4/2020, đã có hàng triệu người mắc bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong vì bệnh này. Nhiều nước đã phải áp dụng chính sách phong tỏa, đóng cửa biên giới và ngừng các chuyến bay quốc tế.
Chính vào thời gian này, trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh bùng phát tại các nước, gây khó khăn cho cuộc sống và an toàn sức khỏe, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài không ngừng tăng cao.
Dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, công cuộc chống dịch lại đang vào giai đoạn phức tạp và tốn kém, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn tạo thuận lợi để đón công dân của mình trở về Tổ quốc.
Sau thành công của chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào tháng 3/2020, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện việc đưa công dân từ nhiều địa bàn trên thế giới trở về.
Việc đưa công dân về nước được tổ chức theo hình thức: công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại các cơ sở quân đội. Công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không phải trả tiền chi phí cách ly (gọi tắt là chuyến bay giải cứu).
Những đối tượng ưu tiên-khi đó, được quy định gồm: Học sinh dưới 18 tuổi; người trên 60 tuổi; người điều trị bệnh tại nước ngoài hoặc có tiền sử các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, ung thư…; phụ nữ mang thai; khách du lịch, thăm thân hết hạn thị thực; sinh viên đã hoàn thành chương trình học; công dân đi công tác ngắn hạn đã hết thị thực, lao động hết hạn hợp đồng.
Chủ trương kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Những chuyến bay với các phi công, tổ lái, tiếp viên… và đội ngũ y bác sỹ không quản nguy hiểm, bay đến các vùng tâm dịch để đón công dân Việt Nam về nước đã thực sự trở thành niềm tự hào về tinh thần tương thân tương ái vốn có từ bao đời của dân tộc.
Sau đó, trước nhu cầu hồi hương của đồng bào, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp và trong nước đang kiểm soát tốt dịch, song song với những “chuyến bay giải cứu,” Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các "chuyến bay combo.”
Các "chuyến bay combo” được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho những công dân có nhu cầu tự nguyện trả chi phí trọn gói về nước bao gồm: vé máy bay, giấy chấp nhận của đơn vị tổ chức cách ly -sau khi đã thỏa thuận về chi phí cách ly và giấy chấp thuận cho nhập cảnh (phê duyệt cho có tên trên chuyến bay đó).
Từ đầu 2020 đến tháng 1/2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 "chuyến bay giải cứu", 372 "chuyến bay combo".
Theo quy trình, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Bộ Ngoại giao đã phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc tham mưu cấp phép các chuyến bay theo quy trình: Tại nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tập hợp công dân Việt Nam có nhu cầu đăng ký về nước báo cáo về Phòng Bảo hộ Công dân ở trong nước để lập kế hoạch tổ chức đón về; hỗ trợ công dân ở nước ngoài về thông tin, thủ tục mua vé máy bay về nước, làm thủ tục xuất cảnh tại nước sở tại.
Ở trong nước, Phòng Bảo hộ Công dân thuộc Cục Lãnh sự -do Lưu Tuấn Dũng làm Phó Trưởng phòng là đầu mối- tiếp nhận báo cáo của các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và tiếp nhận hồ sơ xin tổ chức chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, sau đó tập hợp, dự thảo kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu, combo theo tháng, theo quý.
Sau quá trình này, Phòng Bảo hộ Công dân (Lưu Tuấn Dũng) trình lãnh đạo Cục Lãnh sự duyệt, tiếp đó, bộ hồ sơ được trình lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, - cụ thể là Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) ký văn bản gửi Tổ công tác 4 Bộ liên quan.
Để được duyệt qua quy trình này, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng chi phí "bôi trơn" các cá nhân liên quan trong quy trình. Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”
Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
[Truy tố ông Tô Anh Dũng và 53 bị can trong vụ 'chuyến bay giải cứu']
Ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định còn có nhóm bị can đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky.
Nguyễn Anh Tuấn khai ngoài số tiền 400.000 USD giữ lại, đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị can Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an) theo từng lần Hằng chuyển tiền đến.
54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:
21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”
23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."
4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."
1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."
Gần 120 luật sư bào chữa cho 54 bị cáo
Trước ngày diễn ra phiên tòa, tổng cộng có gần 120 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Đây là một trong số ít các phiên tòa tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội có số lượng kỷ lục luật sư tham gia bào chữa. Trong đó, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) có nhiều luật sư bào chữa nhất (6 luật sư).
Bị cáo Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung ứng Nguồn nhân lực và Thương mại Quốc tế Sao Việt) có 5 luật sư bào chữa. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) có 4 luật sư bào chữa.
Hai bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) có 3 luật sư bào chữa. Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có 2 luật sư bào chữa…
Để chuẩn bị cho phiên tòa, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa.
Dưới đây là danh sách cụ thể các bị cáo:
Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, môi giới hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan là một trong số 5 vụ án mà tại cuộc họp ngày 10/5/2023, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm. Các vụ án còn lại bao gồm: 1. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Khu Thương mại dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (đã xét xử trong tháng 5/2023). 2. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 - Cienco1 (đã xét xử trong tháng 6/2023). 3. Vụ án “Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (đã xét xử trong tháng 2/2023 nhưng sau đó Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung). 4. Vụ án "tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam (đã xét xử trong tháng 6/2023). |