AFP đưa tin trong bối cảnh quân đội Mỹ và quốc tế đã rút gần hết khỏi Afghanistan và Taliban đang nhanh chóng đạt được nhiều thắng lợi, một loạt nhân tố đang chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.
Trong khi quân đội Afghanistan đang vật lộn để lấp chỗ trống mà Mỹ để lại, còn Taliban ngày càng tỏ ra mạnh mẽ hơn, thì Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách biến thất bại tại Afghanistan thành một thành công ở trong nước, trong khi các nhân tố liên quan khác cũng đang nỗ lực tận dụng tình hình để đạt được những mục tiêu riêng.
Quân đội và chính phủ Afghanistan chịu sức ép lớn
Các lực lượng an ninh Afghanistan, vốn bị dàn mỏng và quá tải, đang phải chịu sức ép rất lớn trong giai đoạn cuối của tiến trình rút quân của Mỹ khỏi đây.
Quân đội Afghanistan đang đối mặt với các vụ tấn công sắc bén từ Taliban, bao gồm các đợt công kích dữ dội vào các vị trí ở các thành trì quan trọng ở miền Nam của các binh sỹ và một cuộc đột kích chớp nhoáng ở miền Bắc.
Tuy nhiên, các lực lượng chính phủ vẫn tiếp tục duy trì được sự kiểm soát tại các thành phố của đất nước, trong khi hầu hết các khu vực bị mất kiểm soát là thuộc các vùng nông thôn thưa dân.
Tanim Asey, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình có trụ sở tại Kabul, nhận định: “Về cơ bản, cuộc chiến này trong năm nay sẽ là cuộc chiến xung quanh các địa hạt và các đường cao tốc. Sang năm, chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc lực lượng Taliban ở Afghanistan tập trung vào các thủ phủ tỉnh và các trung tâm đô thị lớn.”
Sau khi binh sỹ Mỹ rời đi mà không thông báo, binh lính Afghanistan đang canh gác Căn cứ Không quân Bagram đã bị bỏ lại với hàng nghìn tù nhân Taliban và một nguy cơ chắn chắn là sự tấn công của kẻ thù.
Khu tổ hợp quân sự lộn xộn này là nơi đóng quân của hàng nghìn lính Mỹ và đồng minh, và là một trong những căn cứ quan trọng để theo đuổi cuộc chiến tranh đã kéo dài 2 thập kỷ tại Afghanistan.
Thế nhưng những binh sỹ Mỹ cuối cùng lại lặng lẽ rời khỏi đây hồi tuần trước, hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Afghanistan và để lại một lỗ hổng an ninh lớn mà quân đội Afghanistan sẽ phải vật lộn để có thể lấp đầy.
Chỉ huy trưởng mới của căn cứ Bagram, Tướng Mirassadullah Kohistani cho hay ông mới chỉ biết đến sự ra đi của các lực lượng nước ngoài sau khi họ đã rời đi rồi, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những thách thức phía trước: “Các bạn biết đấy, nếu so sánh chúng tôi với quân đội Mỹ thì quả là khập khiễng…, nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể để bảo vệ và phục vụ toàn bộ người dân của chúng tôi.”
Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani được cho là đang ngày càng cô độc vào một thời điểm mà ông rất cần sự hỗ trợ của các đồng minh. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra thách thức bất chấp sức ép lên chính quyền ngày càng gia tăng khi để mất ngày càng nhiều lãnh thổ.
Một sự cải tổ các bộ quốc phòng và nội vụ của đất nước mới đây đã kéo những người ủng hộ ông xích lại gần nhau hơn, và có thể là mấu chốt cho sự tồn vong chính trị của ông trong tương lai, bên cạnh sự tiếp tục hỗ trợ từ Washington.
Tuy nhiên, nhiều người trong đội ngũ của ông, vốn đã có nhiều năm sống ở nước ngoài, đang bị cáo buộc là không nắm được rõ cấu trúc phức tạp của xã hội Afghanistan. Mặc dù vậy, chuyến công du mới đây đến Nhà Trắng đã giúp Ghani thu về được những lời hứa hẹn hỗ trợ hàng tỷ USD về an ninh và nhân đạo.
Taliban “chưa bao giờ mạnh đến thế”
Kể từ sau khi bị các lực lượng Mỹ lật đổ cách đây 2 thập kỷ, chưa bao giờ phong trào thánh chiến Taliban lại tỏ ra mạnh mẽ như hiện nay.
Kể từ đầu tháng Năm, nhóm này đã thực hiện thành công hàng loạt vụ đột kích trên khắp Afghanistan, chiếm được hoàn toàn hoặc một phần của 100/400 quận huyện với tốc độ gây choáng váng.
Taliban có vẻ đang rất đoàn kết và hành động dưới một chuỗi chỉ huy hiệu quả, bất chấp những lời đồn lâu nay về sự chia rẽ trong ban lãnh đạo của nhóm.
Jonathan Schroden, Giám đốc hãng tư vấn quân sự Chương trình Chống các mối Đe dọa và Thách thức thuộc CAN, nhận định: “Về mặt chiến lược, có vẻ như Taliban đang thử thách các lực lượng an ninh của Afghanistan khi thiếu vắng sự hỗ trợ của Mỹ để xem xem mức độ mà họ có thể hành động sẽ thế nào."
Tại Bragam, Kohistani cho biết ông đã nhận được các thông tin cho biết Taliban đang “thực hiện các hành động tại các khu vực nông thôn” xung quanh căn cứ này. Nếu Taliban tiến hành tấn công vào Bagram, một trong những ưu tiên hàng đầu của họ chắc chắn là một nhà tù khổng lồ nơi đang giam giữ tới 5.000 tù nhân Taliban.
Các thủ lĩnh quân sự
Các thủ lĩnh quân sự của Afghanistan có thể đang chờ đợi để quay trở lại khi các lực lượng an ninh của đất nước ngày càng phải trông chờ vào các nhóm dân quân để củng cố vị thế đang suy yếu của mình.
Các lãnh đạo dân quân có thể sẽ nỗ lực tận dụng các mối liên hệ trong quá khứ của mình với các cơ quan tình báo nước ngoài nhằm dùng các thông tin trên thực địa để đổi lấy tiền bạc và vũ khí.
Các nhà lãnh đạo độc tài mới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Afghanistan cũng đã bắt đầu huấn luyện và trang bị cho các tân binh, và điều này sẽ càng khoét sâu sự chia rẽ sắc tộc và phe phái vốn đã sâu sắc tại đất nước này.
Các quốc gia trong khu vực tìm kiếm lợi ích
Một mặt trận mới trong trò chơi lớn ở khu vực này đang mở ra với các quốc gia láng giềng đang tìm kiếm ảnh hưởng trên thực địa ở Afghanistan đồng thời cũng đang ve vãn các nhân tố có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Pakistan đã hỗ trợ Taliban trong nhiều thập kỷ và cuối cũng cũng đã có thể đặt cược vào một chính phủ tương lai mà các thành phần nổi dậy có thể được tham gia hoặc dẫn dắt.
Mục tiêu hàng đầu của Islamabad sẽ tập trung vào việc ngăn chặn đối thủ không đội trời chung là Ấn Độ thiết lập bất kỳ sự ảnh hưởng nào và đặt ra một mối đe dọa với đường biên giới phía Tây của họ.
Về phần mình, Iran cũng đang chơi trò nước đôi: sau khi suýt lao vào chiến tranh với Taliban hồi thập niên 1990, Tehran đã gây dựng được sức ảnh hưởng đáng kể với ít nhất một phe cánh quan trọng trong nhóm này.
Iran cũng đang duy trì các mối liên hệ với các thủ lĩnh quân sự đã chống lại Taliban trong suốt giai đoạn nội chiến của đất nước.
Mỹ muốn biến thất bại thành thành công
Về phía Mỹ, mặc dù việc binh lính nước này rút khỏi Căn cứ Không quân Bagram, từng là sức mạnh chủ chốt của Lầu Năm Góc, ngay trong đêm, trong bối cảnh các tay súng Taliban đang hoành hành khắp đất nước, giống như một thất bại quân sự của nước này, nhưng ở quê nhà, Biden lại coi đây là một chiến thắng chính trị.
Chính phủ Mỹ gọi việc binh lính rời khỏi Afghanistan là một sự “tiết giảm,” chứ không phải là rút lui, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ từ xa một chính phủ Afghanistan đang ngày càng dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, việc Mỹ rút hết một cách nhanh chóng và bí mật những binh sỹ cuối cùng khỏi Afghanista cho thấy rõ ràng một ưu tiên thực sự của Biden là chấm dứt 20 năm chiến tranh vô nghĩa chống lại quân nổi dậy Taliban bất khả chiến bại.
Ban đầu, Biden đặt thời hạn cho tiến trình rút quân là ngày 11/9- đúng 20 năm sau vụ khủng bố 11/9, sự kiện kích hoạt Mỹ tiến vào Afghanistan.
Thế nhưng theo Lầu Năm Góc, tính đến ngày 6/7, khoảng 90% số binh sỹ tại đây đã rút về, và những người cuối cùng còn lại sẽ rút khỏi đây vào cuối tháng Tám tới.
Ông Biden nói hồi tháng Tư: “Tôi hiện là tổng thống Mỹ thứ tư điều hành sự hiện diện của lính Mỹ tại Afghanistan, và tôi sẽ không chuyển giao nhiệm vụ này cho người thứ năm.”
Trái ngược với tình hình ảm đạm và thảm hại tại Afghanistan, Biden đang tập trung mạnh mẽ cho một hình ảnh hoàn toàn khác biệt ở trong nước: sự ủng hộ của đông đảo công chúng với việc chấm dứt cái gọi là “cuộc chiến vĩnh cửu” này.
Theo John Mueller, một giảng viên khoa học chính trị và là chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Đại học Bang Ohio, dù điều gì có xảy ra sau cuộc chiến thì phản ứng lớn nhất của người Mỹ hẳn sẽ là một cái nhún vai: “Người Mỹ có lẽ sẽ không mấy quan tâm. Họ đã có thiện chí và cũng đã nỗ lực để làm điều đó.”
Gordon Adams, một giảng viên tại Khoa Quốc tế thuộc Đại học Mỹ, nói ông Biden đã đúng khi “cắt mồi”: “Tôi không nghĩ điều này sẽ đem lại sự rủi ro cá nhân cho Biden. Afghanistan không phải một cuộc chiến tranh được nhân dân ủng hộ”./.