Tôn vinh những đóng góp lớn lao của ông Nguyễn Phong Sắc

Ngôi nhà 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, dấu ấn của ông Nguyễn Phong Sắc, người cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của Đảng và của Thủ đô Hà Nội.
Phòng lưu niệm, nơi ông Nguyễn Phong Sắc cùng các chiến sỹ  cộng sản họp bàn thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, tháng 3/1929. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, dòng người tấp nập qua lại trong sự hối hả và náo nức. Trong không khí ấy, Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng các cấp, ngành liên quan đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Nguyễn Phong Sắc, tôn vinh những đóng góp lớn lao của ông đối với cách mạng, dân tộc Việt Nam, với quê hương và Thủ đô Hà Nội.

Ngôi nhà 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, nơi ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tháng 3/1929 nằm khiêm tốn ở một con phố những ngày này sáng hơn ngày thường. Địa chỉ này còn lưu giữ nhiều kỷ vật, dấu ấn của ông Nguyễn Phong Sắc, người cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của Đảng và của Thủ đô Hà Nội.

Dẫn khách tham quan phòng trưng bày, chị Ngô Thị Minh Tâm, Ban quản lý di tích-danh thắng Hà Nội đã giới thiệu những hiện vật quý và câu chuyện liên quan đến thời gian hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Phong Sắc tại đây.

Chiếc cặp da được ông Nguyễn Phong Sắc đựng tài liệu năm 1930, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn được gìn giữ cẩn thận, trưng bày trang trọng trong tủ hiện vật. Cùng với đó là những hình ảnh, tư liệu về ông Nguyễn Phong Sắc và những người cộng sản đã từng hoạt động tại nhà 5D Hàm Long, phong trào cách mạng mà các đồng chí chỉ đạo, tham gia.

Phòng lưu niệm nơi trước kia, nơi ông Nguyễn Phong Sắc cùng ông Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Ngô Gia Tự thường xuyên họp hành, bàn thảo việc thành lập Chi bộ Cộng sản cũng như các vấn đề cách mạng khác nay vẫn được bảo quản nguyên vẹn.

Bộ bàn ghế tràng kỷ, tấm mành tre cùng các vật dụng sinh hoạt phía trong như giường, ghế gỗ, hòm... gợi nhắc về một thời gian khó nhưng rất vẻ vang.

Trong dịp này, nhà 5D Hàm Long cũng đón một số đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu và dâng hương các bậc tiến bối. Ngành văn hóa Hà Nội tổ chức trưng bày một số hình ảnh, tài liệu giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Ông Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902 tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước.

Truyền thống gia đình cộng với môi trường học tập, cùng bối cảnh xã hội lúc đó đã hun đúc tình yêu nước, tinh thần cách mạng của ông.

Cuối năm 1926, ông gia nhập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.

Năm 1928, ông Nguyễn Phong Sắc tham gia Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ. Khi Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ nhất, ông được bầu làm Bí thư Thanh niên Hà Nội.

Tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở ngôi nhà số 5D phố Hàm Long để thành lập tổ chức Cộng sản đầu tiên ở trong nước. Ông trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ 5D Hàm Long.

Tháng 6/1929, hơn 20 đại biểu các tổ chức cộng sản mới được xây dựng ở Bắc Kỳ và nhiều đồng chí trong chi bộ 5D Hàm Long đã họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, ông Nguyễn Phong Sắc làm ủy viên, sau đó ông được phân công vào Trung kỳ xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở của Đảng.

Không gian phòng trưng bày tại di tích nhà 5D Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), ông Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, chỉ đạo các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, là linh hồn của phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, luôn thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo kiên cường, bất khuất.

Chiều tối 3/5/1931, trên đường từ Hải Phòng về tới ga Hà Nội, sau khi phổ biến Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, ông Nguyễn Phong Sắc bị mật thám Pháp theo dõi, ập tới bắt. Ngày 25/5/1931, thực dân Pháp đã sát hại đồng chí tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Ngôi nhà số 152 Bạch Mai đang được thân nhân của ông Nguyễn Phong Sắc sinh sống, sử dụng làm nơi thờ phụng cũng như lưu giữ những kỷ vật của ông và truyền thống gia đình.

Phát huy truyền thống gia đình, con cháu của ông Nguyễn Phong Sắc đều thành đạt trong sự nghiệp, có nhiều cống hiến cho xã hội.

Cháu nội của ông Nguyễn Phong Sắc là bà Nguyễn Thị Hồng Hà, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào về ông nội Nguyễn Phong Sắc với những đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng, đối với Tổ quốc. Phát huy truyền thống gia đình, noi theo tấm gương của cụ, các con, cháu, chắt đều cố gắng trong công tác và thành đạt trong cuộc sống, đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam."

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết thêm bà cũng như các anh em trong gia đình thường xuyên sưu tầm tư liệu về truyền thống gia đình và của cụ Nguyễn Phong Sắc để thế hệ con cháu hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của cụ.

Hằng năm, vào mùng 3 Tết, dòng họ Nguyễn Đình tập trung về nơi này, ôn lại truyền thống của dòng họ, nghe kể về những hoạt động liên quan đến cụ Nguyễn Phong Sắc trong năm đã qua. Dòng họ Nguyễn Đình còn có Quỹ khuyến học để khuyến khích con cháu noi gương cụ Nguyễn Phong Sắc.

Trong gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà vẫn còn một số kỷ vật liên quan đến cuộc đời cụ Nguyễn Phong Sắc, mọi người có ý định phục chế lại để lưu giữ kỷ niệm về cụ.

[Hội thảo về Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung của cách mạng]

Bà Trần Thị Kim Oanh, Bí thư Đảng ủy phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng chia sẻ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Nguyễn Phong Sắc là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô cũng như phường Cầu Dền noi theo. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân phường Cầu Dền tự hào, nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại.

Nhiều năm qua, phường Cầu Dền hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó, kinh tế tăng trưởng liên tục, theo hướng bền vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được quan tâm, coi trọng hàng đầu, được xác định là nhiệm vụ then chốt, có vai trò, ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. An ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Đời sống nhân dân ngày càng được quan tâm, cải thiện...

Những ngày lễ, Tết, Đảng ủy và chính quyền phường Cầu Dền thường xuyên tổ chức đến thăm hỏi, dâng hương tại gia đình ông Nguyễn Phong Sắc. Đặc biệt, Chi bộ 2, nơi các thành viên trong gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc sinh hoạt Đảng, vào dịp 3/2 hằng năm, đúng dịp sinh nhật ông Nguyễn Phong Sắc lại tổ chức sinh hoạt tại địa chỉ này.

Các đảng viên dâng hương và ôn lại truyền thống cách mạng của ông Nguyễn Phong Sắc. Hằng năm, phường Cầu Dền tổ chức đoàn vào thăm mộ của ông và dâng hương nhà thờ tại Nghệ An.

Người Hà Nội hôm nay luôn tự hào, khắc ghi công ơn của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Phong Sắc cũng như các bậc tiền bối khác, chung sức đồng lòng, phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục