Tổng Bí thư: Ngành kiểm sát cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện

Tổng Bí thư yêu cầu ngành Kiểm sát đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để xây dựng hệ thống viện kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2015.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2014, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng, được Đảng, Quốc hội đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Công tác chống tham nhũng của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực; trong năm 2014 đã phát hiện, khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm hơn 30% số vụ án thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Ngành Kiểm sát đã tăng cường phát hiện, điều tra xử lý một số vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, qua đó góp phần tích cực bảo vệ quyền con người, quyền công dân; trong năm qua đã khởi tố một số bị can nguyên là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Bức cung”, “Dùng nhục hình”, “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” tại một số tỉnh như Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Yên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trên cơ sở phân tích hạn chế, tồn tại cần khắc phục, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng; đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để xây dựng hệ thống viện kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, của nhân dân.

Tổng Bí thư chỉ rõ, ngành Kiểm sát cần tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và khẩn trương thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vừa được Quốc hội thông qua; tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xây dựng các dự án Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự...

Việc xây dựng các dự án luật này chính là nhằm thực hiện sự chỉ đạo của Đảng về cải cách đồng bộ pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, là điều kiện bảo đảm cho Hiến pháp nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ngành Kiểm sát cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phải đề cao và tuân thủ các nguyên tắc tư pháp dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp quy định, bảo đảm mọi quyết định của các cơ quan tố tụng có căn cứ và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Tổng Bí thư nhắc nhở với vị trí, trách nhiệm quan trọng của một cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan để chủ động trong nắm thông tin về tội phạm tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng.

Để chống tham nhũng hiệu quả, trước hết nội bộ của ngành phải thực sự trong sạch, vững mạnh; phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ mọi mặt, nhất là nắm vững luật pháp, duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ của ngành, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng.

Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà "tay đã nhúng chàm" thì không thể chống được tham nhũng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Đối với cán bộ kiểm sát, Người yêu cầu "Phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Trong tình hình hiện nay, người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan, phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn.

Tổng Bí thư đề nghị, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy đảng trong ngành phải hết sức chú trọng công tác cán bộ, gắn công tác này với việc củng cố, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngành Kiểm sát và mỗi cán bộ kiểm sát phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự trở thành chỗ dựa của công lý.

Đồng thời, ngành Kiểm sát cần tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tích cực thực hiện các hoạt động với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp hội Công tố viên quốc tế; làm tốt vai trò của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự để thúc đẩy quá trình giải quyết các vụ án xuyên biên giới.

Tổng Bí thư tin tưởng, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, xây dựng nền tư pháp Việt Nam thực sự "Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất xác định: Năm 2015, toàn ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và cải cách tư pháp.

Trong 2 ngày làm việc (16-17/1), các đại biểu sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục