Tổng cục Môi trường: Chất lượng không khí cải thiện từ cuối tháng Ba

Ngày 27/3, chỉ có 4 điểm quan trắc ở Hà Nội có chỉ số chất lượng lượng không khí AQI có màu cam (102-113), tức là chỉ những người nhạy cảm gặp phải vấn đề về sức khỏe.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định từ cuối tháng Ba và các tháng tới, theo quy luật hằng năm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.

Chất lượng không khí tại các đô thị được đánh giá dựa trên kết quả quan trắc tại 18 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục đặt tại thành phố Hà Nội, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tháng Ba, ở tuần đầu tiên, chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị của ba miền đều khá tốt, hàm lượng bụi mịn PM2.5 đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Hà Nội ở mức trung bình, các đô thị khác duy trì ở mức tốt với AQI dưới 50 - mức xanh.

Từ các ngày 6 đến 12/3, chất lượng không khí giữa các đô thị có sự biến động rõ rệt so với tuần đầu. Các đô thị khu vực miền Trung có chất lượng không khí luôn duy trì ở mức tốt. Các đô thị miền Bắc có mức độ ô nhiễm tăng cao hơn do điều kiện thời tiết không còn mưa, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, xuất hiện sương mù vào sáng sớm.

[Hà Nội vẫn là đô thị có mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất]

Thủ đô Hà Nội vẫn là khu vực ô nhiễm nhất do giá trị trung bình 1 giờ của thông số bụi mịn PM2.5 tăng cao, chỉ số AQI ở đa số các trạm cả 7 ngày duy trì ở mức kém, vượt quá giới hạn Quy chuẩn Việt Nam.

Riêng trong nội thành Hà Nội, tại các trạm Hàng Đậu, Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Thành Công, giá trị thông số PM2.5 thường cao hơn hẳn các trạm còn lại ở Tân Mai, Kim Liên, 556 Nguyễn Văn Cừ.

Từ ngày 13-20/3, tại các đô thị khác cơ bản chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Thủ đô Hà Nội vẫn có 4/7 ngày trong tuần bị ô nhiễm bụi mịn PM2.5 do trời âm u, sương mù khá nặng, trong đó ngày 16/3, ô nhiễm ở mức rất cao, vượt gấp hai lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.

Ngày 18-19/3, mưa phùn kéo dài trong cả ngày đã khiến mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại Thủ đô giảm rõ rệt, chất lượng không khí được đánh giá ở mức tốt.

Tuy nhiên, sang ngày 20/3, mưa chấm dứt, kéo theo giá trị quan trắc của thông số bụi PM2.5 lại có xu hướng tăng, chỉ số AQI giờ trong ngày đã chuyển sang mức kém.

Từ sau ngày 22/3, thời tiết ổn định, mưa nhiều hơn, chất lượng không khí ở miền Bắc đã được cải thiện.

Ngày 27/3, chỉ có 4 điểm quan trắc ở Hà Nội có chỉ số chất lượng lượng không khí AQI có màu cam (102-113), tức là chỉ những người nhạy cảm gặp phải vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít bị ảnh hưởng. Tất cả các điểm quan trắc còn lại đều ở mức trung bình và tốt.

Năm 2020, Tổng cục Môi trường đã triển khai ứng dụng công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên nền tảng thiết bị di động (Envisoft), giúp người dân cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí để có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiến tạo mạng lưới quan trắc môi trường không khí hiện đại và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhằm xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm để giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm, cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường không khí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục