Tổng thống Ba Lan ký ban hành luật thảm họa diệt chủng Holocaust

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký ban hành luật liên quan tới thảm họa diệt chủng Holocaust được xây dựng nhằm bảo vệ hình ảnh của quốc gia này ở nước ngoài.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại cuộc họp báo ở Warsaw. (Nguồn: PAP/TTXVN)

Ngày 6/2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký ban hành luật liên quan tới thảm họa diệt chủng Holocaust được xây dựng nhằm bảo vệ hình ảnh của quốc gia này ở nước ngoài nhưng lại gây căng thẳng trong quan hệ với Israel, Mỹ và Ukraine.

Tổng thống Duda cũng cho biết sẽ gửi văn bản luật trên lên Tòa án Hiến pháp để xem xét liệu luật này có phù hợp với quy định trong hiến pháp về tự do ngôn luận hay không. Ông Duda nhấn mạnh quyết định của ông là nhằm "bảo vệ những lợi ích, giá trị và chân lý lịch sử của Ba Lan."

Đạo luật liên quan tới thảm họa diệt chủng Holocaust quy định các mức phạt, thậm chí phạt tù tối đa ba năm đối với các đối tượng cáo buộc nhà nước Ba Lan đồng lõa với các tội ác của Đức Quốc xã và gọi các trại tập trung tử thần của Đức Quốc xã là của người Ba Lan.

Đạo luật trên đã làm bùng lên tranh cãi ngoại giao đối với Ba Lan. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tuần trước tuyên bố Tel Aviv sẽ không khoan dung cho hành động mà Israel gọi là "bóp méo sự thật và viết lại lịch sử hay phủ nhận thảm họa diệt chủng Holocaust."


[Ba Lan đối thoại với Israel về dự luật thảm họa diệt chủng Holocaust]

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo luật trên có thể sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích chiến lược của Ba Lan và các mối quan hệ của nước này với Mỹ và Israel.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng phản đối, cho rằng những điều khoản trong đạo luật mà Tổng thống Ba Lan vừa ký ban hành là "hoàn toàn không công bằng và không chấp nhận được."

 

Khoảng 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó nhiều người thiệt mạng trong trại tập trung Auschwitz và các trại tập trung khác của Đức Quốc xã ở Ba Lan.

Giới lãnh đạo Ba Lan thường xuyên yêu cầu các chính trị gia cũng như truyền thông toàn cầu không gọi các trại này là "trại tử thần Ba Lan," được cho là ám chỉ chính quyền Ba Lan thời điểm đó phải chịu một phần trách nhiệm về các trại này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục